Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết quả đạt khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Lê Thiết Cương| 14/08/2013 06:12

(HNM) - Xác định khu vực nông thôn là địa bàn quan trọng, thực hiện Nghị quyết 26 NQ-TƯ (NQ 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và tập trung đầu tư đạt được kết quả quan trọng.

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Thực hiện NQ 26, kết quả sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2012 đạt 8.727 tỷ đồng (giá cố định) tăng 1,8 lần so năm 2008 và đạt 37.181 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 84,6% so năm 2008. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,75%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 199,2 triệu đồng/ha canh tác, tăng hơn hai lần năm 2008; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1,3 triệu tấn/năm. Các chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt, hình thành và mở rộng nhiều vùng sản xuất hàng hóa giá trị cao. Hiện đã xây dựng được 34 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện, với quy mô 10.670ha, 71.048 hộ được đào tạo kỹ thuật; bước đầu đã hình thành sự liên kết của 4 nhà (quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nông dân) trong sản xuất. Thu nhập của người trồng lúa chất lượng cao tăng 10-12 triệu đồng/ha. Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố giai đoạn 2012-2016 được triển khai tích cực: Năm 2012 đã mở rộng diện tích trồng hoa lên 3.655ha, trong đó diện tích hoa giá trị cao như hoa lan, hoa ly tăng nhanh, nhiều mô hình trồng hoa đạt giá trị cao tại các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đan Phượng... tăng thu nhập cho các hộ 15 - 20% so với trước. Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng... đã đạt 333,8ha trồng mới; 540ha trồng thâm canh và 12ha ghép cải tạo với hơn 6.320 lượt hộ tham gia, hình thành nhiều vùng cây ăn quả cho năng suất, chất lượng và thu nhập cao, một số vùng thâm canh cây ăn quả đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Nhiều huyện thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) có hiệu quả, xây dựng vùng sản xuất lớn được tổ chức quản lý khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Nhiều vùng sản xuất chuyên canh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bảo Lâm


Cùng với bước phát triển lĩnh vực trồng trọt, các chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư được nông dân tích cực hưởng ứng, đã mang lại hiệu quả cao. Ngoại thành đã phát triển 722 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư; hình thành vùng chăn nuôi tập trung liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, chương trình nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009-2015, được triển khai hiệu quả, sản lượng tăng từ 3,5 tấn/ha năm 2008 lên 4,2 tấn/ha năm 2012; 11 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tập trung, tổng kinh phí 1.420 tỷ đồng. Thành phố có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản được chuyển đổi 2.700ha, nâng diện tích nuôi thâm canh từ 4.300ha năm 2008 lên 7.000ha năm 2012, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 280 triệu đồng/ha.

Trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư ngân sách cho các huyện ngoại thành gần 51 tỷ đồng, tăng bình quân 17,8%/năm. Để triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo đảm đời sống dân sinh, phòng chống lụt bão, từ tháng 8-2008 đến tháng 6-2013, thành phố đã phê duyệt 78 dự án đầu tư XDCB, với tổng mức đầu tư hơn 22,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện xây dựng NTM, trong hơn một năm qua, các huyện đã bê tông hóa được 1.028,85km giao thông nông thôn, đào đắp được 2.684,18km giao thông nội đồng và 1.927,38km kênh mương nội đồng, dồn điền đổi thửa được 45.000ha.

Đến nay, hạ tầng nông thôn được cải thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc, thu nhập bình quân đạt 23,712 triệu đồng/người/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2008 (8,2 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 5,1% theo tiêu chí mới, giảm 7% so năm 2008. Đến nay, Hà Nội đã có 19 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 95 xã đạt 14-18 tiêu chí; 158 xã đạt 10-13 tiêu chí; 113 xã đạt 5-9 tiêu chí; 16 xã đạt dưới 5 tiêu chí, phấn đấu hết năm 2013, có 48 xã đạt NTM.

Cần cơ chế, chính sách tổng thể đồng bộ

Tuy nhiên, nhìn tổng quát phát triển nông nghiệp, NTM của Hà Nội vẫn chưa xứng tầm, sản xuất nông nghiệp vẫn dạng quy mô nhỏ, phân tán, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa vững chắc, chưa hình thành nhiều vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn. Năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá, nhưng chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả thấp. Hàng hóa nông sản chưa có thương hiệu, chưa được chế biến, bảo quản; cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm.

Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số nơi còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM, còn trông chờ kinh phí trên cấp. Nguồn lực huy động cho xây dựng NTM còn khó khăn, chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước. Việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện) một số nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai ở nhiều nơi còn yếu kém, vệ sinh môi trường, rác thải chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề, chế biến nông sản. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo cao. Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất chưa đáp ứng yêu cầu.

Mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM đến năm 2015 và những năm tiếp theo còn rất nặng nề với nhiều khó khăn phải tháo gỡ. Ngoài sự nỗ lực từ phía người dân, rất cần Nhà nước, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể, đồng bộ, sự đầu tư hợp lý nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển xứng tầm với tiềm năng của Thủ đô phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết quả đạt khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.