(HNM) - Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 vừa được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố cho thấy, với 85,46 điểm TP Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ hai (tăng một bậc so với năm 2016).
Hà Nội đã có những cách làm sáng tạo, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng cho người dân. Ảnh: Nhật Nam |
Quyết tâm cao của thành phố
Qua Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2017 của TP Hà Nội có thể thấy, một số lĩnh vực mà thành phố đặt ra yêu cầu tạo chuyển biến rõ nét đã đạt được kết quả khả quan. Tiêu biểu, chỉ số “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” năm 2016 có điểm số 76,32%, thì năm 2017 đã đạt 86,76%. Chỉ số “Cải cách tài chính công” năm 2016 là 87,50%, năm 2017 đạt 90,47%. Cùng đó, nhiều chỉ số thành phần khác có điểm số cao như: “Cải cách thủ tục hành chính” đạt 96,21%; “Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước” đạt 83,04%...
Năm 2017 được TP Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính” và ngay từ đầu năm (ngày 3-2-2017), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND về tổ chức thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017". Tiếp đó, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 20-3-2017 về “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội”.
Đặc biệt, UBND thành phố đã ra Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25-1-2017 về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10-3-2017 về ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.
Từ đó, lãnh đạo các cấp, ngành đã áp dụng vào từng nội dung của công tác cải cách hành chính tại đơn vị mình. Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết: “Thành phố chỉ đạo quyết liệt việc lựa chọn cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm công tác, am hiểu về thủ tục hành chính làm việc tại bộ phận "một cửa".
Vì thế, đã tạo dựng được đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với tổ chức, công dân giải quyết thủ tục hành chính có trình độ đồng đều. Trong tổng số 2.502 cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” hiện nay, có tới 1.928 người có trình độ đại học trở lên, đạt tỷ lệ 77%”.
Trên thực tế, nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, mang lại thuận lợi cho tổ chức, công dân. Tiêu biểu như: Mô hình “Chính quyền thân thiện” tại quận Nam Từ Liêm; mô hình chấm điểm đánh giá bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng tại huyện Đan Phượng; sáng kiến liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư...
TP Hà Nội cũng là một trong những đơn vị tiên phong và có bước đột phá mạnh mẽ trong việc rà soát, tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, cắt giảm đầu mối tổ chức, tinh giản biên chế. Thành phố đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố và đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị.
Đáng chú ý trong số đó, thành phố đã giảm 41,4% số ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, từ 70 đơn vị xuống còn 41 đơn vị; giảm 58% số đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, từ 229 đơn vị xuống còn 96 đơn vị... Trong triển khai đề án vị trí việc làm, thành phố đã hoàn thiện việc phê duyệt vị trí việc làm của viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, điều này thể hiện quyết tâm của thành phố trong bối cảnh cơ sở pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ.
Tiếp tục cải thiện
Hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” huyện Phúc Thọ. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, một số chỉ số thành phần trong PAR Index năm 2017 của TP Hà Nội cũng bị giảm so với năm trước. Đó là, “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” năm 2016 đạt tối đa 100% nhưng năm 2017 chỉ đạt 83,04%. Chỉ số “Hiện đại hóa hành chính” năm 2016 đạt 72,22%, năm 2017 chỉ đạt 70,60%. Ở chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” năm 2016, Hà Nội là một trong 9 địa phương của cả nước đạt tối đa 100%, song năm 2017 chỉ đạt 96,21%...
Tương tự, "Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính" (SIPAS) của TP Hà Nội năm 2017 cũng mới đạt 76,53% (trong khi tỉnh cao nhất cả nước là Vĩnh Phúc đạt 95,75%, tỉnh thấp nhất là Kon Tum đạt 67,70%). Như vậy, có thể thấy, trong cải cách hành chính TP Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Trưởng phòng Cải cách hành chính Phạm Tuấn Anh, năm 2018, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 26-2-2018 về triển khai thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, mà một trong những nội dung chính là đẩy mạnh cải cách hành chính theo kế hoạch của giai đoạn 2016-2020 và của năm 2018.
Cụ thể, thành phố phấn đấu duy trì Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, trên cơ sở phân tích kỹ những chỉ số thành phần tụt điểm để có giải pháp khắc phục, đồng thời tham khảo kết quả của những địa phương có sự bứt phá nổi trội trong năm qua.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng cũng cho rằng: Các bộ, các tỉnh cần căn cứ vào Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 phổ biến, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc xác định mục tiêu nâng chỉ số cải cách hành chính hằng năm.
Đặc biệt, cần tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 đạt được để tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.