(HNM) - Số người nghiện ma túy trên địa bàn TP Hà Nội tuy đã được kiềm chế song chưa bền vững, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ.
Mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời… Đây là những hạn chế được Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố nhận định sau đợt giám sát về tình hình thực hiện công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai của Hà Nội từ năm 2011 đến nay.
Khó quản lý
Tính đến giữa năm 2015, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 15 nghìn người nghiện ma túy (heroin) có hồ sơ quản lý (giảm hơn 3.600 người so với cuối năm 2011). Tuy nhiên, mới có hơn 6 nghìn người được quản lý tại các trung tâm, trại; hơn 7 nghìn người vẫn sinh hoạt tại cộng đồng và gần 1.600 người vắng mặt tại địa phương. Bên cạnh đó, thành phố có 1.466 người nghiện ma túy tổng hợp. Dù số người nghiện
đã giảm, nhưng vẫn còn lớn, gây nhức nhối ở các địa phương.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy, qua giám sát cho thấy, tốc độ tăng người nghiện ma túy tuy đã được kiềm chế song chưa bền vững, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, khó điều tra, thống kê. Mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa được thực hiện đồng bộ, việc thiết lập hồ sơ ban đầu để đưa vào cai nghiện bắt buộc còn khó khăn. Quy trình lập hồ sơ đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định kéo dài hơn 7 tháng kể từ khi khẳng định được là người nghiện ma túy. Do vậy, việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc kéo dài, đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với đó, công tác sau cai cũng gặp không ít khó khăn. Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, vấn đề tạo việc làm cho người sau cai đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, người nghiện sau cai được giúp đỡ bằng hình thức cho vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhưng số tiền cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Thêm nữa, công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú để phòng, chống tái nghiện chưa được cấp ủy, chính quyền và các ngành quan tâm đúng mức. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện còn phổ biến trong gia đình và cộng đồng, làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ và tái hòa nhập cộng đồng.
Nhân rộng phương pháp điều trị bằng Methadone
Làm việc với Đoàn giám sát của HĐND thành phố, một số quận, huyện, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH đều chung kiến nghị giải pháp. Các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hiểu nghiện ma túy là bệnh mạn tính của não bộ, người nghiện phải điều trị thường xuyên, kiên trì, lâu dài. UBND thành phố quan tâm, phát triển, củng cố các mô hình điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. UBND thành phố phê duyệt triển khai thí điểm mô hình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 6 cơ sở điều trị nghiện từ năm 2009. Đến nay, số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở này đều tăng và đạt mốc hơn 3.000 bệnh nhân.
Tiếp tục mở rộng mô hình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone địa bàn Hà Nội, năm 2014, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt mô hình thí điểm chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số V (Sở LĐ-TB&XH) thành cơ sở điều trị tự nguyện bằng thuốc Methadone. Gần 6 tháng thực hiện thí điểm, trung tâm đã tiếp nhận mới 860 người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện, vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, việc triển khai thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thời gian qua trên địa bàn Hà Nội mang lại hiệu quả tốt, giúp bệnh nhân điều trị an toàn, không có bệnh nhân tử vong do quá liều hoặc tác dụng phụ. Người nghiện vừa tham gia điều trị, vừa tham gia lao động sản xuất, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Từ đó, các xung đột giữa người nghiện và gia đình do ma túy gây ra được cải thiện rõ rệt; giảm lây nhiễm HIV. Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây TP Hà Nội đã thành lập thêm 11 cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone.
Như vậy có thể khẳng định bước đầu việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã có khả quan. Song hiện tại, mạng lưới này chưa phủ khắp các quận, huyện, thị xã. Người nghiện ở các quận, huyện không có cơ sở điều trị Methadone hoặc ở những huyện có địa bàn rộng mất rất nhiều thời gian đi lại để điều trị, nên đã hạn chế đối tượng áp dụng phương pháp này. Bên cạnh đó, việc áp dụng chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ, y bác sĩ ở các cơ sở này chưa bảo đảm, dẫn đến chưa thu hút được đông bác sĩ tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.