Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối xe buýt và đường sắt đô thị: Tạo thuận lợi cho vận tải hành khách công cộng

Tuấn Lương| 12/11/2021 06:20

(HNM) - Phương án kết nối các tuyến xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xây dựng trên nguyên tắc bổ trợ lẫn nhau nhằm tăng khả năng kết nối, từng bước nâng tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Việc kết nối các tuyến xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ảnh: Tuấn Khải

Xe buýt kết nối thuận tiện với các ga đường sắt đô thị

Ngày 6-11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được Bộ Giao thông - Vận tải bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội đưa vào khai thác thương mại. Song từ trước đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có phương án kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến đường sắt đô thị này. Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga sẽ có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để kết nối với các ga đường sắt này, Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến buýt kết nối.

Chánh văn phòng Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhằm thực hiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, vừa qua, Tổng công ty đã điều chỉnh lộ trình, cự ly đối với các tuyến xe buýt số 22, nhánh tuyến 22A (Bến xe Gia Lâm - Khu đô thị Trung Văn), tuyến số 38 (Nam Thăng Long - Mai Động) và tuyến 49 (Trần Khánh Dư - Nhổn).

Là một trong những hành khách có mặt trải nghiệm trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, anh Bùi Đức Anh, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Từ nhà ở phố Giải Phóng, tôi bắt xe buýt tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa) ra Ngã Tư Sở. Từ đây, tôi chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là đến ga Láng của đường sắt đô thị. Nhìn chung, việc di chuyển bằng xe buýt để đến nhà ga đường sắt đô thị khá thuận tiện”.

Nâng dần tỷ lệ người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng

Là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường đánh giá, phương án kết nối các tuyến xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xây dựng trên nguyên tắc bổ trợ lẫn nhau nhằm tăng khả năng kết nối, từng bước nâng tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, từ đó góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Dù mới chỉ đưa vào khai thác được ít ngày nhưng có thể đánh giá, phương án kết nối đang phát huy hiệu quả.

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội dự báo, khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động ổn định, người dân đã quen dần với việc lựa chọn tuyến buýt nào để kết nối dễ dàng với đường sắt đô thị thì năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở) tăng 3-4 lần so với hiện nay, đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. Ước tính sẽ có khoảng 15-20% người dân chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến. 

“Hiệu quả từ việc kết nối này cũng sẽ tác động tích cực làm giảm lưu lượng xe taxi, xe công nghệ... hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị do loại hình giao thông này có cước phí thấp, không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông và giảm thời gian đi lại...”, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định.

Tại ga Yên Nghĩa, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ cho mở thêm cổng giúp người đi bộ kết nối trực tiếp nhà ga với quảng trường dành cho xe buýt của Bến xe Yên Nghĩa để giảm thời gian trung chuyển giữa đường sắt đô thị và xe buýt. Ngoài ra, các tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị được dán thêm ký hiệu chỉ dẫn là tuyến đi đến các ga đường sắt trên cao để hành khách dễ nhận diện và tiện sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối xe buýt và đường sắt đô thị: Tạo thuận lợi cho vận tải hành khách công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.