(HNM) - Theo báo cáo về môi trường đô thị do Bộ Tài nguyên và Môi trường mới công bố, chỉ tính riêng các quận nội thành Hà Nội, mỗi năm người dân thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng do các bệnh về hô hấp mà nguyên nhân là bởi ô nhiễm không khí.
Báo cáo định kỳ theo quý về chất lượng không khí tại Hà Nội của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh cho biết, quý I-2017, Hà Nội có 37 ngày nồng độ PM 2.5 (bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2,5 micromet trở xuống) trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn quy chuẩn quốc gia…
Để khắc phục tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng nhóm giải pháp hạn chế suy giảm chất lượng không khí giai đoạn 2017-2020, trong đó nỗ lực hoàn thiện mạng lưới quan trắc tự động để có dữ liệu phục vụ công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm. Đây là điều mà đông đảo người dân Thủ đô mong mỏi bởi từ cơ sở dữ liệu này mới đề ra được giải pháp và định hướng cải thiện môi trường. Tuy nhiên, công việc này cũng cần rút kinh nghiệm.
Thực tế, trong số 5 trạm quan trắc hiện đang được lắp đặt tại Hà Nội, đã có hai trạm đặt tại 36A đường Phạm Văn Đồng và khu giảng đường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) ngừng hoạt động vì công nghệ lạc hậu, không có thiết bị thay thế, hư hỏng; ba trạm còn lại hoạt động chưa bảo đảm quy trình kỹ thuật, số liệu cập nhật hạn chế, thiếu khả năng kết nối giữa các trạm quan trắc của thành phố với trạm quan trắc môi trường quốc gia.
Từ thực tế này cho thấy, chỉ khi những trạm quan trắc được kết nối đồng bộ, bảo đảm truyền tải đầy đủ số liệu về nơi tập hợp phân tích dữ liệu thì cơ quan chức năng mới có thể đề ra được chiến lược, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại bầu không khí sạch cho Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.