Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kênh ô nhiễm

Ngọc Minh| 26/12/2011 07:32

(HNM) - Nằm song song với ngõ 107 đường Lĩnh Nam rồi cắt ngang đường Lĩnh Nam, Tam Trinh đổ ra sông Kim Ngưu, tuyến kênh hở do Xí nghiệp Thoát nước số 3 quản lý luôn là nỗi ám ảnh của người dân các tổ dân phố 32, 34 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai bởi ngày cũng như đêm luôn xả ra mùi xú uế nồng nặc.

Chị Nguyễn Thị Vân, một người bán hàng nước ở đầu ngõ 107 Lĩnh Nam cho biết: "Mùi hôi thối là thường trực, nhất là trong những ngày thời tiết thay đổi, mưa nắng bất thường, chỉ ngồi một lúc đã thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Nhưng điều lạ nhất là tuyến kênh này thường xuyên đổi màu. Bây giờ (16h ngày 22- 12- 2011- PV), nước kênh màu đen như than tổ ong thế này nhưng buổi sáng, nước lại có màu hồng hồng, đục đục như phù sa, hôm thì lại xanh lét. Càng những hôm màu sắc đậm đặc thì nước càng bốc mùi. Có người cho rằng đó là nước thải lẫn hóa chất từ các doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp Vĩnh Tuy. Nhiều người dân khu vực này thường xuyên bị viêm mũi, viêm họng, không biết có phải vì hằng ngày phải hít thứ mùi độc hại đó hay không?".

Cây cầu tạm bắc qua kênh hở ô nhiễm ở ngõ 107 đường Lĩnh Nam.


Tìm hiểu thêm được biết, theo cách gọi dân gian, tuyến kênh này có tên là kênh Cầu Gạo. Nhưng đã từ rất lâu, người dân khu vực đã quên mất cái tên này mà gọi là kênh Cống thối, ngõ 107 Lĩnh Nam cũng được gọi theo là ngõ Cống thối, có lẽ cũng bởi cái mùi đặc trưng của nó. Trong các văn bản hành chính, tuyến kênh lại có tên là kênh hở Hoàng Văn Thụ. Từ năm 2006, UBND thành phố đã có Quyết định số 4315/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải thiện môi trường thành phố, trong đó có 1.058m kênh hở Hoàng Văn Thụ (K5A), đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội. Biển hiệu, các thông tin chi tiết, chỉ giới của dự án đã được "trưng" lên rất cụ thể ngay đầu ngõ 107 Lĩnh Nam từ năm 2007. Thế nhưng đến nay việc cải tạo vẫn chưa thấy triển khai, mặt biển báo đã cũ, có chỗ bong tróc, mờ, nhìn không rõ chữ...

Nước kênh ô nhiễm, những chiếc cầu tạm bắc ngang qua dòng kênh này cũng là nỗi lo lắng của bất kỳ người tham gia giao thông nào. Như cây cầu qua địa bàn tổ 34 được ghép lại bằng những tấm bê tông nhỏ, xe cộ qua lại lâu ngày có tấm đã sứt mẻ hoặc gãy gập, nhìn xuyên xuống mặt nước đen ngòm. Những thanh tre làm lan can cầu cái còn cái mất vì mục ruỗng gần hết. Mặt cầu chỉ đủ chỗ hai xe máy tránh nhau, hai bên đầu cầu lại bị lấn chiếm tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác thải...

Người dân sở tại mong muốn thành phố sớm triển khai dự án cải tạo kênh hở gây mất vệ sinh, an toàn trên để cải thiện môi trường sống trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kênh ô nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.