Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kẻ mừng, người lo

Đức Anh| 19/03/2012 07:30

(HNM) - Đề án


Cơ cấu lại tổ chức tín dụng là cuộc cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng.    Ảnh: Đàm Duy

Theo đề án, trên cơ sở đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và quản trị, đặc biệt là chất lượng tài sản, công nợ, vốn tự có và mức độ an toàn của TCTD, các TCTD sẽ được phân loại thành 3 nhóm: TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém. Những TCTD lành mạnh sẽ được mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, gia nhập các thị trường tài chính trong khu vực và trên thế giới. Những tổ chức này cũng sẽ được tham gia xử lý các TCTD yếu kém và thiếu hụt thanh khoản bằng cách cho vay hỗ trợ thanh khoản với TCTD yếu kém và mất khả năng chi trả tạm thời hoặc mua lại, sáp nhập TCTD yếu kém. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những TCTD này có cơ hội để mở rộng thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Còn đối với TCTD thiếu thanh khoản tạm thời, tùy mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn để bảo đảm khả năng chi trả và có thể trở lại hoạt động bình thường. NHNN sẽ có biện pháp xử lý như hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động; bắt buộc TCTD phải thực hiện tỷ lệ an toàn cao hơn quy định chung.

Với những TCTD yếu kém, NHNN tái cấp vốn trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt, với mức tối đa tương đương vốn điều lệ của TCTD được tái cấp vốn. TCTD yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt chặt chẽ, toàn diện về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. NH thương mại nhà nước và NH TMCP lành mạnh mua lại tài sản và các khoản nợ có chất lượng tốt của TCTD để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Sau khi áp dụng những biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, TCTD yếu kém sẽ được sáp nhập, hợp nhất, mua lại. NHNN sẽ yêu cầu TCTD yếu kém phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần, sau đó NHNN sẽ trực tiếp mua lại nhằm lành mạnh hóa TCTD, từ đó sáp nhập, hợp nhất TCTD yếu với TCTD khác hoặc bán lại cho nhà đầu tư đủ điều kiện.

Trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này, NHNN đã có một bước thanh lọc hóa TCTD, bằng cách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho 4 nhóm TCTD. Theo đó, nhóm 1 chỉ được tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2: 15%, nhóm 3: 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng. Đến nay, hầu hết NH đều biết mình trong nhóm nào. Mặc dù NHNN không công bố danh sách, song chính các NH cũng đã công bố vị trí của mình, đặc biệt là NH thuộc nhóm 1 và 2. Theo đó, ngoại trừ những "đại gia" trong hệ thống như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, nhóm 1 còn có sự góp mặt của Techcombank, ACB, Eximbank, MB, Sacombank, SeABank… với mức tăng trưởng tín dụng 17%. Một số ngân hàng khác như ABBANK, NamABank, DaiABank, OceanBank, KienLong Bank, DongA Bank… công bố mức tăng trưởng 15%. Những NH thuộc nhóm 3 khá dè dặt trong việc công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cho đến nay, mới chỉ có Habubank công bố. Còn nhóm 4 thì "im hơi, lặng tiếng" để thị trường làm phép trừ chứ không công bố, vì nhóm này không được phép tăng trưởng tín dụng.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, sau 6 tháng thực hiện, NHNN sẽ xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, bảo đảm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ, phân loại TCTD theo nhóm. Việc phân nhóm giao chỉ tiêu tín dụng sẽ tạo áp lực và động lực để các NH thương mại tập trung hơn nữa cho chất lượng hoạt động.

Vẫn biết nhóm 3 và 4 vẫn còn "cửa" để 6 tháng sau có thể được nâng hạng, song với chỉ tiêu tăng trưởng 8% hay thậm chí không được tăng trưởng, những TCTD không may rơi vào nhóm này khó có thể cải thiện được tình hình. Bởi, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp, hay không được tăng trưởng, NH sẽ khó có nguồn lợi nhuận để cơ cấu lại tài chính, hoạt động, nâng cao chất lượng và như vậy, nguy cơ bị sáp nhập hay bị mua lại là khó tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kẻ mừng, người lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.