Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kể lại những khía cạnh con người

An Nhi| 13/06/2015 06:23

(HNM) - Ngày 12-6 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, Hãng Thông tấn AP (Mỹ) lần đầu tiên chia sẻ với công chúng Việt Nam bộ sưu tập 50 bức ảnh nằm trong di sản ảnh đồ sộ mà đội ngũ phóng viên ảnh của hãng chụp được khi đưa tin về cuộc chiến tranh ở nước ta.


40 năm sau cuộc chiến, Hãng Thông tấn AP mở triển lãm ảnh về chủ đề chiến tranh Việt Nam, khẳng định niềm tự hào là một đơn vị có sức ảnh hưởng lớn nhất trong việc đưa tin về chiến tranh tại Việt Nam. Những bức ảnh này đã được lựa chọn kỹ lưỡng và chu đáo từ cuốn sách ảnh "Việt Nam: Cuộc chiến tranh qua ảnh của Hãng Thông tấn AP" đã xuất bản hai năm trước. Chúng kể lại những khía cạnh con người phía sau cuộc chiến.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh. Ảnh: Lê Vũ


50 bức ảnh của các phóng viên và nhân viên AP chụp trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến năm 1975. Rất nhiều trong số đó đã được đăng báo, có tác động to lớn, khiến người dân Mỹ và các nước trên thế giới thấy được những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Nói như đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, người đã từng đi qua cuộc chiến, đã làm phim tài liệu về chiến thắng lịch sử 40 năm trước, từng có mặt tại Sài Gòn vào thời điểm ngày 30-4-1975 thì: "Những bức ảnh này bổ sung hoàn hảo với hình ảnh chúng ta ghi lại được, tạo thành một cái nhìn toàn diện về cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta".

Không thiếu những giọt nước mắt của người xem đã lăn khi chạm vào những khoảnh khắc trong quá khứ: Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Malcohn Browne, 11-6-1963); dưới làn đạn, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi trú ẩn (Eddie Adams, Đà Nẵng, 25-4-1965); một người bị tình nghi là quân giải phóng đang bị tra khảo nhưng vẫn hiên ngang (Tam Kỳ, 27-10-1967), khoảnh khắc anh Nguyễn Văn Lém - người tình nghi là quân giải phóng bị bắn (Eddie Adams, Sài Gòn, 1-2-1968)… Và rất nhiều xúc động khi phóng viên Nick Út, người chụp bức ảnh nổi tiếng nhất của AP trong chiến tranh là "Cô bé Napalm" chia sẻ: "63 phóng viên Việt Nam và ngoại quốc, trong đó có anh trai tôi, đã chết trong chiến tranh Việt Nam khi tác nghiệp. Tôi bị thương 3 lần nhưng đủ may mắn để còn phản ánh về cuộc chiến, may mắn hơn nữa được ở triển lãm này để thấy tình cảm và sự đón nhận của người Việt Nam với những lao động của chúng tôi". Gây ấn tượng với người xem có lẽ là những bức ảnh một người lính Việt Nam Cộng hòa quỳ bên dãy dài bao bố xác đồng đội (Huỳnh Thanh Mỹ, Tân Định, 3-9-1965), một người lính Mỹ trẻ đội mũ có khẩu hiệu "Chiến tranh là địa ngục" (Horst Faas, 6-1965), lính cứu thương Mỹ đau đớn khi bị băng mắt (Henri Huet, Tây Nguyên, 30-1-1966)… Những hình ảnh này khác xa so với ảnh về quân dân Việt Nam, phía bên này, chúng ta gian khổ, khó khăn hơn nhưng phóng viên ảnh của ta vẫn ghi lại được nhiều khoảnh khắc vui cười, lạc quan, hy vọng… Chính đó thêm một lần nữa lý giải chiến thắng thuyết phục của quân và dân ta cách đây 40 năm.

Ngoài sức lay động từ sự "bắt" được chính xác những khoảnh khắc sâu sắc, chân thực về cuộc chiến, thì mỗi bức ảnh còn được chú thích rất đầy đủ thông tin chi tiết nhân vật, thời gian, địa điểm, tác giả và những sự kiện liên quan. Chẳng hạn, như bức về Trung tá Robert Stirm được gia đình chào đón tại căn cứ không quân Travis (Califorrnia, Mỹ) khi ông trở về sau 5 năm làm tù binh chiến tranh (Sal Veder, 17-3-1973) nhưng sau lại có mở ngoặc về bức ảnh đoạt giải Pulitzer này là nhân vật biết được vợ anh đã đệ đơn ly hôn và kết thúc hôn nhân một năm sau đó…

AP là một hãng thông tấn ở Mỹ, với 50 bức ảnh tại triển lãm, có thể thấy đây là một hãng thông tấn dũng cảm. Họ lên án chiến tranh, tố cáo chiến tranh trực tiếp, chân thực đến kinh ngạc mà dường như không chịu sức ép, chi phối nào từ phía chính quyền. Lý giải về điều này, ông Richard Pyle, phóng viên AP tại Sài Gòn từ năm 1968 đến 1973 có viết: "Đưa tin về chiến tranh Việt Nam là độc nhất vô nhị. Đó là cuộc chiến tranh của Mỹ lần đầu tiên không có kiểm duyệt báo chí chính thức và cũng chưa bao giờ (và cũng không có lặp lại) phóng viên được tiếp cận chiến trường dễ dàng như vậy".

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 26-6, sau đó toàn bộ ảnh được tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kể lại những khía cạnh con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.