(HNM) - Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 28-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông, hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Palestine và Israel suốt hơn 50 năm qua. Bước đi này được kỳ vọng là cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từng đổ vỡ từ năm 2014. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau khi công bố, văn kiện được Nhà Trắng soạn thảo đã tạo ra những phản ứng trái chiều, chia rẽ trong dư luận quốc tế. Đặc biệt, người dân Palestine đã kiên quyết bác bỏ nội dung kế hoạch và chỉ trích Tổng thống Mỹ thiên vị Israel.
Bản kế hoạch dài 80 trang bao gồm 50 trang cho phần chính trị và 30 trang cho phần kinh tế với khoảng 50 tỷ USD nhằm giúp tái thiết Palestine, Jordan và Ai Cập. Điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong phần nội dung là việc công nhận chủ quyền các khu định cư của người Do Thái tại các vùng đất chiếm đóng ở Bờ Tây cho phía Israel. Đổi lại, Tel Aviv sẽ phải đồng ý dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng 4 năm.
Dù kế hoạch này vẫn tập trung vào giải pháp hai nhà nước với một số khu vực ở Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của Palestine, song sẽ cần phải vẽ lại đường biên giới tại khu vực này và Palestine phải đáp ứng một số yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, việc vẽ lại ranh giới Đông Jerusalem và trao các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây cho Israel là động thái không phù hợp nguyên tắc giải quyết xung đột Israel - Palestine dựa trên đường biên giới trước năm 1967 mà Liên hợp quốc công nhận.
Cho tới nay, ngoài Anh và Israel bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, rất nhiều quốc gia đã lên tiếng quan ngại về những hệ lụy mà bản kế hoạch của Mỹ sẽ gây ra đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong một tuyên bố ngày 29-1, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric khẳng định, tổ chức đa phương này duy trì cam kết đối với giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong cuộc chiến năm 1967. Ông nêu rõ, nhiều năm qua, quan điểm của Liên hợp quốc về giải pháp hai nhà nước đã được xác định rõ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cho rằng việc áp đặt mọi giải pháp đối với cuộc xung đột giữa Palestine và Israel sẽ không thành công, đồng thời khẳng định, đàm phán giữa Israel và Palestine là con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự, nghiêm túc và cân bằng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, kế hoạch hòa bình mà Mỹ áp đặt lên Palestine là một sự phản bội của thế kỷ và cam chịu thất bại.
Về phần mình, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã kêu gọi các cường quốc thế giới tẩy chay sáng kiến này. Ông Shtayyeh cho rằng, đây không phải là một kế hoạch hòa bình ở Trung Đông. Cùng ngày, hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah đã nhóm họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối “Thỏa thuận thế kỷ”. Một loạt cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tiến hành ở cả Bờ Tây và Dải Gaza.
Dự kiến, Kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ đưa ra sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng được Hội đồng AL triệu tập khẩn theo hướng bảo đảm lợi ích của các nước thế giới Arab và Palestine. Theo các nhà phân tích, người Palestine cho rằng họ đang bị đưa vào thế không có quyền được lựa chọn và buộc phải đầu hàng, Mỹ và Israel sẽ định hình tương lai. Sự tuyệt vọng, những cơn thịnh nộ của một dân tộc bị đè nén hàng thế kỷ có thể là nguyên nhân thổi bùng lên những nguy cơ khó lường trong thời gian tới. Vì thế, không ít nhận định cho rằng, Kế hoạch hòa bình Trung Đông là một “canh bạc” đối với hòa bình khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.