(HNM) - Jo ha kyu - Triển lãm nghệ thuật đương đại đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội) gồm một phim thể nghiệm ngắn và các tác phẩm nhiếp ảnh của Nguyễn Trinh Thi và Jamie Maxtone - Graham.
Một trong những hình ảnh tại triển lãm. |
Dù hơi khó hiểu, song triển lãm mang lại cái nhìn mới mẻ về một thành phố. Nguyễn Trinh Thi là một nhà làm phim độc lập của Việt Nam, từng có nhiều phim tham gia chiếu tại các liên hoan phim tại Châu Á, Âu và Mỹ. Chị cũng là người sáng lập ra Hanoi Doclab - trung tâm phim tài liệu và nghệ thuật video tại Hà Nội với nhiều hoạt động học, thực hành thú vị về phim tài liệu, phim thể nghiệm. Năm 2011, Trinh Thi cùng chồng là Jamie Maxtone (một nhiếp ảnh gia người Mỹ hiện sống tại Hà Nội) đã có mặt tại Nhật Bản, ngay sau thảm họa động đất. Bên cạnh các hoạt động của một học bổng tại Nhật mà họ giành được, những cảm xúc, cái nhìn của cặp vợ chồng nghệ sĩ này về thành phố Tokyo còn được giữ lại qua những thước phim và hình ảnh. Và tư liệu ấy được trưng bày tại triển lãm "Jo ha kyu" như là một câu chuyện về những trải nghiệm được kể bằng ngôn ngữ của nghệ thuật thể nghiệm.
Trinh Thi cho biết, khi tới Tokyo, chị rất ấn tượng với cảnh người dân thành phố này ngủ trên tàu điện ngầm và chị đã ghi lại. Sau này, cùng với những thử nghiệm về sự chuyển động của hình ảnh, chị đã dựng nên "Jo ha kyu". Phim có cấu trúc "Jo ha kyu" (tự phá cấp), một cấu trúc quen thuộc của kịch truyền thống Nhật Bản, trong đó mọi vở kịch được bắt đầu chậm, tăng tốc và kết thúc nhanh. Bộ phim của Trinh Thi mở đầu bằng những hình ảnh mọi người ngủ trên tàu điện ngầm, những chuyển động chậm rãi về các tư thế ngủ của nhiều hành khách, một thanh niên, một phụ nữ, một đứa trẻ… Rồi những hình ảnh dường như xuất hiện trong đầu của các hành khách đang ngủ. Đó là một đoạn phố đông đúc được hiện bởi các bàn chân đi lại, là một người đàn ông đứng tuổi ngồi trong công viên, là những cô gái tuổi teen, là một đứa trẻ đi trên con đường mòn của khu rừng rợp lá… Dường như giữa cái thế giới thực tại, hiện hữu là những con người đang ngủ kia với thế giới trừu tượng là những hình ảnh họ nghĩ tới (hoặc do người làm phim cho rằng họ nghĩ tới) có một xung đột. Với khía cạnh người làm phim, Trinh Thi cũng cho rằng, tác phẩm là sự xung đột giữa những quan sát khách quan và kinh nghiệm chủ quan, tường thuật và không tường thuật, tư liệu và hư cấu.
Trong khi đó, Jamie Maxtone mang tới 60 bức ảnh, là những góc nhìn của anh về Tokyo nói riêng, phần nào phản ánh cuộc sống của một đô thị lớn nói chung. Phòng trưng bày các bức ảnh thật đặc biệt khi tất cả cửa đều được che bằng rèm đen, ánh sáng trong phòng đều được phát ra từ các tác phẩm. Mỗi bức ảnh được chiếu lên một khung đèn LED khiến cho hình ảnh sắc nét và sinh động. Jamie cho biết, khi tới Nhật, anh có những cảm xúc tươi mới hơn. Nhưng với kinh nghiệm nhiếp ảnh hơn 20 năm, lại là một đạo diễn hình ảnh ở Mỹ, Jamie không ôm đồm ghi lại tất cả những gì anh thấy. Anh ghi lại cuộc sống Tokyo với khía cạnh mà anh quan tâm: Cuộc sống sau vụ rò rỉ hạt nhân Fukushima. Một nhành cây mướt xanh, những cô gái mới lớn vẫn ăn mặc theo phong cách "cosplay", các cửa hàng thời trang vẫn nhộn nhịp trong mùa "sale", trên đồng hoa hướng dương vẫn nở…
Những hình ảnh về sự chuyển động là cảm giác chung khi xem cả phim lẫn các bức ảnh. Bên cạnh sự vận động theo thời gian, chính sự vận động trong các tác phẩm là những thử nghiệm thành công của nghệ sĩ. Chúng tạo nên nét đẹp, hấp dẫn của một thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.