(HNMO) - Dự án nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các trang trại quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai trong giai đoạn từ 2006-2011, đến nay đã góp phần tăng cường chất lượng bò cao sản tại các trại chăn nuôi ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Văn phòng dự án là Viện chăn nuôi quốc gia, Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội.
Với hai vùng mục tiêu là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Mộc Châu tại tỉnh Sơn La, dự án đã chọn ra mỗi vùng 10 trang trại mẫu và 3 trang trại trình diễn ở Ba Vì, Hà Nội.
Trong thời gian qua, dự án nâng cao kỹ thuật sản xuất tại các trang trại bò quy mô nhỏ và vừa đã đạt được hiệu quả hợp tác, tập trung vào lĩnh vực có nhu cầu cao của các trang trại bò sữa (như cung cấp thức ăn cho bò, quản lý vệ sinh, phòng chống bệnh tật, phổ cập kỹ thuật…); xác lập chế độ đào tạo, phổ cập kiến thức, đào tạo nhân lực, cải thiện sinh kế bằng các đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp.
Hiện cả nước có gần 20 nghìn hộ nuôi bò sữa và tới 95% bò sữa được nuôi trong các hộ gia đình. Số lượng đàn bò tăng đột biến, nhưng kiến thức và kỹ thuật quản lý của nông dân và cán bộ liên quan nhìn chung còn yếu.
Qua việc triển khai dự án, những năm trở lại đây, người nông dân đã biết cách chăn nuôi bò sữa đúng kỹ thuật và thu về lãi cao. Thu nhập của các hộ nông dân chăn nuôi tại Việt Nam trung bình 7,2 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, một trong những khu vực thuộc dự án nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa được triển khai, thu nhập bình quân của người nông dân vào khoảng trên 20 triệu đồng/tháng (với đàn bò khoảng 10 con), đã trở nên dễ dàng.
Hy vọng, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục được đón nhận thêm các dự án như Dự án nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các trang trại quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ qua JICA để nâng cao chất lượng đàn bò sữa, tăng nguồn sữa cung ứng ra thị trường (hiện mới chỉ đáp ứng được 15- 20% nhu cầu), giảm phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, phát triển kinh tế các hộ gia đình nông dân nói riêng và nền kinh tế nông của cả nước nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.