Theo dõi Báo Hànộimới trên

Italy chấn động vì tham nhũng

Quỳnh Chi| 28/06/2010 07:21

(HNM) - Chỉ một tháng sau khi báo chí Italy công bố danh sách 400 nhân vật có tiếng trong chính trường Italy liên quan đến các vụ tham nhũng, Antonio Di Pietro - một trong những thẩm phán từng tích cực đấu tranh chống tham nhũng - cũng vừa bị buộc tội biển thủ các quỹ liên quan đến những cuộc bầu cử châu Âu năm 2004.

Vụ việc một quan chức được mệnh danh là "bàn tay sạch" của Italy cùng nhiều chính trị gia bị các cơ quan chức năng điều tra về hành vi gian lận tài chính khiến uy tín của Chính phủ Thủ tướng Silvio Berlusconi vốn đã lung lay nay càng chao đảo nghiêm trọng.

Các cơ quan điều tra Italy hiện đang tiến hành làm rõ sự dính líu của 400 nhân vật trong "danh sách đen" được tìm thấy vào trung tuần tháng 5, khi các điều tra viên khám xét máy tính của Diego Anemone - một nhà thầu xây dựng bị cáo buộc dùng tiền và gái đẹp "lót tay" cho một số quan chức để được trúng thầu xây các công trình phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tổ chức vào tháng 7 năm ngoái ở L'Aquila. Trước đó, Bộ trưởng Công nghiệp Italy Claudio Scajola đã phải từ chức sau khi báo chí tiết lộ nhiều sai phạm về tài chính và lạm dụng quyền lực, cũng như những dính líu của nhân vật này tới đường dây hối lộ của Anemone.

Hiện phe đối lập Italy thậm chí còn nêu khả năng sẽ xảy ra một vụ bê bối tham nhũng và hối lộ nghiêm trọng tương tự vụ Tangentopoli bùng nổ vào năm 1992 từng khiến 8 cựu thủ tướng và hơn 5.000 chính trị gia và doanh nhân bị điều tra. Hơn 1.000 người liên quan tới vụ tham nhũng Tagentopoli bị kết án tù và Thủ tướng Italy lúc bấy giờ là ông Bettino Craxi đã phải chạy trốn sang Tunisia để tránh vòng lao lý. Hậu quả là cả Chính phủ và hai viện Quốc hội Italy sau đó đều sụp đổ trong cuộc khủng hoảng về lòng tin cùng phản ứng tẩy chay của cử tri. Người đứng đầu nội các Italy sau xìcăngđan này chính là đương kim Thủ tướng S.Berlusconi.

Lợi thế của ông S.Berlusconi là bước chân vào chính trường từ một nhà kinh doanh bất động sản và truyền thông, nên không bị nhiều thành kiến từ dư luận về các vụ bê bối như những chính trị gia "nhà nòi" khác. Điểm đáng chú ý là ông S.Berlusconi đã tham gia chính trường với khẩu hiệu "đổi mới" trên đống tro tàn đổ nát vì tham nhũng. Và ở góc độ này, ông S.Berlusconi đã nhanh chóng gây dựng được niềm tin trong giới cử tri về đại diện cho một tầng lớp lãnh đạo chính trị mới "hoàn toàn trong sạch". Tuy nhiên, suốt 16 năm qua, sân khấu chính trị Italy vẫn chưa hết sóng gió bởi các vụ tham nhũng. Và ông Berlusconi cũng không ít lần phải "cắp tráp" hầu tòa do những cáo buộc liên quan tới tội danh này, nhưng ông đều "thoát hiểm" một cách ngoạn mục.

Trước nguy cơ "làn sóng" tham nhũng mới gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tính của Chính phủ, Thủ tướng Berlusconi đã vội vã trấn an rằng các vụ việc nói trên chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", không ở tầm mức "tàn phá" như thập niên 90 thế kỷ trước; đồng thời cam kết sẽ mạnh tay với bất kỳ quan chức nhà nước nào nhận hối lộ. Thế nhưng, sự trấn an của vị Thủ tướng không ít "duyên nợ" với tòa án này vẫn chưa thể làm yên lòng dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Italy chấn động vì tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.