Theo dõi Báo Hànộimới trên

Italia: Thủ tướng trẻ và thách thức khó vượt

Quỳnh Chi| 15/04/2014 06:46

(HNM) - Chưa đầy 2 tháng nhậm chức, vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia Matteo Renzi đã phải nếm trải thử thách gai góc đầu tiên khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bất ngờ bùng phát thành bạo động làm hơn 80 người bị thương.

Tương tự như những gì chính phủ tiền nhiệm từng đối mặt, nguyên nhân của cuộc biểu tình quy mô lớn cũng bắt nguồn từ chính sách cắt giảm ngân sách đang được tân Thủ tướng M.Renzi theo đuổi. Với khẩu hiệu đòi lật đổ chính phủ và xóa bỏ cải cách về hợp đồng lao động và tìm kiếm cơ hội việc làm, hơn 20.000 người thuộc các phong trào xã hội và lực lượng cực hữu đã làm cho khu trung tâm thủ đô Rome rơi vào tình trạng tê liệt. Trang web chính thức của Thủ tướng Renzi cũng bị tin tặc thân với lực lượng biểu tình đánh sập trong nhiều giờ...

Biểu tình đã biến thành bạo loạn tại thủ đô Rome.



Một trong những áp lực lớn nhất của Thủ tướng đương nhiệm vào thời điểm này là làm thế nào để có được thành công trên con đường mà hai Thủ tướng tiền nhiệm Mario Monti và Enrico Letta đã thất bại. Mặc dù, ngay từ khi nhậm chức, nhà lãnh đạo 39 tuổi đã triển khai cuộc cải cách kinh tế được giới chuyên gia đánh giá cao với chương trình tăng năng suất và hiệu quả; đồng thời giảm chi phí sản xuất, giảm thuế cho các doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho người lao động. Chương trình kinh tế mà nhiều người gọi là "liệu pháp sốc của Renzi" này được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội việc làm cho 200 nghìn thanh niên. Tuy nhiên, để một chương trình đầy tham vọng trở thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay là không dễ dàng. 20 năm trước, khi nhậm chức, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cũng từng đưa ra lời hứa cải cách thị trường việc làm, song phải 4 năm sau đó, số người thất nghiệp mới bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống.

Trên thực tế, những cải cách mà Thủ tướng M.Renzi tuyên bố thực hiện cũng là 2 mục tiêu mà các chính phủ tiền nhiệm từng hướng tới nhưng đều thất bại. Trong bối cảnh như vậy, áp lực lên người đứng đầu nội các mới của Italia là không nhỏ. Điều kiện chính trị lúc này của Italia có thể buộc Thủ tướng đương nhiệm phải thỏa hiệp với các đảng phái liên minh và đối lập để đạt được mục đích duy trì nội các trên đường cải cách. Đây có thể là "bãi mìn" với nhà lãnh đạo M.Renzi, người được xem là không có nhiều kinh nghiệm chính trị và đây cũng là lý do tại sao đất nước hình chiếc ủng đang cần một nhà hoạch định chính sách kiêm nhà kinh tế tài ba để vượt qua cơn khủng hoảng.

Thế nhưng, trong khi những biện pháp nhằm cải cách thị trường lao động và tăng thêm cơ hội việc làm của Thủ tướng M.Renzi chưa kịp đem lại hiệu quả thì nền kinh tế Italia lại đang có nguy cơ mất thêm hơn 200.000 việc làm nữa trong quý tới. Đây là tuyên bố của CISL - một trong ba nghiệp đoàn lao động lớn nhất ở đất nước hình chiếc ủng - cảnh báo về những tác động tiêu cực tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang phủ bóng lên Liên minh Châu Âu nói chung và với người lao động Italia nói riêng. Theo thống kê mới nhất của CISL, trong quý I-2014, đã có thêm 223.000 người lao động nộp đơn xin trợ cấp từ cơ quan cứu trợ nhà nước, tăng hơn 30.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Italia đã lên đến con số kỷ lục 12,9% tính đến hết tháng 3. Theo các nhà phân tích, sự trì trệ của sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thị trường lao động co lại, đẩy những người lao động vào cảnh khốn cùng.

Rõ ràng, cải thiện nền kinh tế đang là bài toán khó nhất với Thủ tướng M.Renzi. Để vừa không mất lòng dân chúng, vừa có được tiếng nói chung với các đảng phái mà vẫn đưa được nền kinh tế thoát khỏi tình trạng mất ổn định là thử thách nan giải. Vượt qua thử thách này, vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia mới tránh khỏi vết xe đổ của hai người tiền nhiệm Mario Monti và Enrico Letta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Italia: Thủ tướng trẻ và thách thức khó vượt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.