(HNM) - Đằng sau một văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là những tác động của nó đến nền kinh tế, mà trực tiếp nhất là doanh nghiệp (DN) và người dân. Bởi vậy việc có một môi trường thể chế hiệu quả, là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các cơ quan ban hành VBQPPL chưa thực sự chú trọng đến điều này.
Vấn đề "nóng": Giải phóng nguồn lực
Thành viên tổ Đề án 30 thành phố rà soát các văn bản về thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Tâm
Ông Scott Jacobs, cố vấn thể chế cao cấp của dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI), cho biết, số lượng VBQPPL của Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2009 có tới 8.520 văn bản, trong khi cùng thời điểm này, ở Mỹ chỉ có 1.500 văn bản. Việc quá nhiều VBQPPL được ban hành mà không có đánh giá tác động có thể dẫn đến nguy cơ "xóa sổ" một DN hay thậm chí một ngành kinh tế nào đó. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung khẳng định: "Xây dựng VBQPPL không phải để tạo ra những văn bản mới mà là để giải quyết một vấn đề xã hội. Vì vậy, không phải có nhiều văn bản là tốt hơn mà điều này còn có thể làm cho nền kinh tế kém đi". Ông Scott Jacobs phân tích: "VBQPPL là công cụ điều tiết nền kinh tế và chi tiêu của ngân sách cho hoạt động này có thể cân, đong, đo, đếm được chứ những chi phí mà các hộ gia đình, DN phải gánh khi một văn bản mới ra đời là không thể thống kê hết được".
Theo thống kê, chi phí được huy động từ khu vực ngoài quốc doanh để xây dựng VBQPPL mới tại Mỹ là 2.000 tỷ USD, chiếm 15% GDP; nhưng ở Việt Nam, việc chi trả cho hoạt động này chiếm tới 20% GDP. Đương nhiên, các hộ gia đình là đối tượng phải "gánh" các chi phí này, bởi khi DN phải chịu nhiều chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) và các chi phí hoạt động khác và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn, giảm lợi nhuận. Để khắc phục điều đó, DN thường tìm cách "đẩy" bớt gánh nặng bằng cách tạo ra sản phẩm có chất lượng thấp hơn hoặc tăng giá thành sản phẩm. Như vậy, khi giá tăng, chất lượng cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hệ lụy của việc các DN bị giảm lợi nhuận sẽ thu hẹp cơ hội tìm được việc làm của các đối tượng trẻ cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của những người làm công ăn lương. Tóm lại, việc ban hành quá nhiều VBQPPL gây ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề: đầu tư, thu nhập, cơ hội việc làm…
Việt Nam đã nhận thức được sự lãng phí trong việc ban hành các VBQPPL không cần thiết. Điều này được thể hiện rõ trong việc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC trong ba năm qua. Qua đó, đã rà soát 5.421 TTHC liên quan trực tiếp đến công dân và DN. Hiện các bộ, ngành đang thực hiện đơn giản hóa 4.818/5.421 TTHC (bãi bỏ 480 thủ tục, sửa đổi 4.146 thủ tục; thay thế 192 thủ tục) trên nguyên tắc cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và DN nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của nhà nước. Nếu phương án đơn giản hóa này được thực thi trên cả nước, dự kiến sẽ cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và DN, ước tính tiết kiệm gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, DN không còn rơi vào tình trạng "xếp hàng" cả ngày chờ làm thủ tục. Điều đó cũng góp phần tiết kiệm thời gian, giải phóng nguồn lực, tiết kiệm chi phí và mở rộng sản xuất kinh doanh…
Đánh giá tác động pháp luật
Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra quy định bắt buộc các cơ quan soạn thảo ra VBQPPL phải đánh giá tác động pháp luật của văn bản (RIA).Tuy nhiên, nhiều cơ quan, ban ngành chưa chú trọng đến quy định này. Theo ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ: "Tại Việt Nam các dự thảo đều có báo cáo RIA, nhưng đa số các báo cáo này chưa đạt chất lượng, họ làm báo cáo RIA để tuân theo yêu cầu luật bắt buộc phải làm". Bà Võ Lan Phương, cố vấn cao cấp về cải cách thể chế của dự án USAID/VNCI nhận định: "Thực trạng soạn thảo các VBQPPL ở Việt Nam hiện nay ít coi trọng việc đánh giá tác động pháp luật hoặc nếu có cũng thực hiện một cách sơ sài, chỉ đánh giá những tác động tích cực mà ít đánh giá đến các tác động tiêu cực của VBQPPL. Hầu hết phản ứng của các bộ, ngành khi thực hiện RIA là không hào hứng và tích cực. Trong khi đó, RIA mới chính là linh hồn của các văn bản, quan trọng hơn cả dự thảo". Theo nhiều chuyên gia, nhìn chung, công tác lập pháp ở Việt Nam còn thiếu sự tham gia thỏa đáng của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách, chưa thực hiện đầy đủ công tác tham vấn công chúng và thiếu công cụ phân tích chính sách khoa học để bảo đảm luật đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, một số cơ quan soạn thảo văn bản xây dựng dự thảo chưa hiểu biết đầy đủ về phương pháp xác định vấn đề, phương án chính sách, cân đối lợi ích - chi phí của từng phương án… Do vậy đã ra đời những quy định kém hiệu quả và không cần thiết, làm lãng phí các nguồn lực của nhà nước cũng như tăng gánh nặng và chi phí cho người dân và DN.
Vì vậy việc xây dựng một môi trường thể chế hiệu quả với các quy định có chất lượng là rất cần thiết. Điều quan trọng là việc xây dựng VBQPPL phải đi kèm với hoạt động đánh giá tác động RIA và phản biện xã hội từ phía các tổ chức và công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.