(HNM) - Thủ tướng Canada Stephen Harper vừa tới thăm Israel trong chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông.
Sự cố "sảy miệng" của Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon khi chỉ trích nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chưa lắng trong dư luận thì chính quyền Do Thái lại phải "chịu trận" trước đòn tấn công ngoại giao đồng loạt của nhiều thành viên Liên minh Châu Âu (EU).
Việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. |
Mở đầu là Anh, sau đó đến Pháp, Italia rồi Tây Ban Nha, nhiều quốc gia EU khác cũng tuyên bố sẽ triệu đại sứ Israel tại những nước này tới để phản đối kế hoạch xây thêm khoảng 1.800 nhà định cư Do Thái tại Đông Jerusalem và Bờ Tây. Đây là những vùng đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người Palestine theo sự phân chia của Liên hợp quốc (LHQ) nhưng đang bị Israel chiếm đóng. Quan điểm của EU là việc làm này nếu không muốn nói là sẽ phá vỡ các nỗ lực xây dựng tương lai cùng chung sống hòa bình giữa hai dân tộc thì cũng không có chút lợi ích nào cho bầu không khí hòa đàm chưa có nhiều tiến triển hiện nay.
Là một thành viên trong nhóm bộ tứ (Mỹ, EU, Liên hợp quốc và Nga) nhằm thúc đẩy tiến trình tìm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine và là một đồng minh của Mỹ nhưng EU lại có lập trường rất khác biệt. Từ lâu, liên minh chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới đã cho rằng các khu định cư của Israel xây dựng trên đất đai của người Palestine là bất hợp pháp. Sự công kích của EU đối với chính quyền Do Thái không chỉ dừng ở những lời nhắc nhở hay sự công kích bằng ngôn từ mà được hiện thực hóa bằng nhiều quy định cụ thể. Thời điểm tháng 1 này cũng là lúc lệnh cấm toàn bộ 28 thành viên của EU giao dịch với các thực thể tại các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng (từ sau cuộc chiến 1967 đến nay) chính thức có hiệu lực. Văn bản được công bố từ tháng 7 năm ngoái quy định rõ ràng rằng tất cả thỏa thuận hợp tác giữa EU với chính quyền Do Thái dưới mọi hình thức từ tài trợ, cấp học bổng đến hỗ trợ nghiên cứu khoa học, thể thao và thậm chí là cứu trợ nhân đạo sẽ không được áp dụng với bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào hoạt động tại các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Hay nói một cách cụ thể, EU không chấp nhận coi các khu định cư trái phép mà Israel cố tình cho "mọc lên như nấm" nhiều năm qua là đất đai của nước này. Với Brussels, biên giới hợp lệ của Israel chỉ dừng ở những cột mốc được quy định bởi nghị quyết của Liên hợp quốc và Tel Aviv bắt buộc phải công nhận bằng văn bản rằng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem không thuộc lãnh thổ nước này trong bất kỳ thỏa thuận nào với EU. Việc triệu kiến các đại sứ Israel đã khẳng định sự nhất quán trong chính sách của EU về vấn đề lãnh thổ chiếm đóng; đồng thời chứng minh rằng người Châu Âu đã không "nói chơi".
Với những cú "ra đòn" liên tiếp như vậy, EU cũng đang xóa bỏ định kiến là liên minh thường hay chia rẽ trong nhiều vấn đề và không có ảnh hưởng ngoại giao đủ mạnh để trở thành một nhân tố có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Đông, một ưu tiên đối ngoại hàng đầu của EU. Sự kiên quyết của Brussels cũng cho Tel Aviv thấy rằng Châu Âu hoàn toàn có đủ công cụ pháp lý và sức mạnh chính trị để gây thiệt hại kinh tế và tạo sức ép ngoại giao đối với chính quyền Do Thái. Với kim ngạch thương mại song phương lên đến hơn 30 tỷ USD, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Israel sau Mỹ (là khách hàng thường xuyên của 26,1% hàng hóa từ quốc gia Do Thái). Vì thế, chưa khi nào chính quyền của Thủ tướng B.Netanyahu lại gặp nhiều áp lực quốc tế để buộc phải thay đổi chính sách muốn duy trì sự chiếm đóng Palestine như hiện nay. Nếu không có sự đáp ứng phù hợp, ngoài những tổn thất về tiền bạc, Tel Aviv sẽ phải đối mặt với sự cô lập ngoại giao đáng sợ một khi bị 28 thành viên EU cùng "ngoảnh mặt làm ngơ".
Quyết tâm buộc Israel phải "sống theo pháp luật" của EU cũng đã có tác động đáng kể khiến Mỹ dần hạn chế sự "nuông chiều" với người anh em "ruột già" tại Trung Đông. Bản thân chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng rất lo ngại về sự sinh tồn của đồng minh "khó bảo" Israel giữa vòng vây thù địch của cả thế giới Arab lại thêm bị EU "tẩy chay". Do đó, sự cứng rắn của EU cộng thêm sự thay đổi của Mỹ với Israel như một phần trong chính sách Trung Đông mới đang đặt chính quyền Do Thái vào thế khó nhưng lại tạo môi trường tích cực cho các vòng đối thoại để dẫn đến nền hòa bình chính đáng cho người Palestine.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.