Theo dõi Báo Hànộimới trên

Israel - Mỹ: Những lập trường khác biệt

Thùy Dương| 04/10/2014 05:43

(HNM) - Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ ngày 28-9 đến 2-10 đã trở thành tâm điểm của dư luận sau khi tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào ngõ cụt do cuộc tấn công của quân đội Do Thái vào Dải Gaza hồi tháng 8 vừa qua.



Trước bối cảnh tình hình an ninh phức tạp tại khu vực, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng B.Netanyahu đã xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến hai vấn đề chính là các dự án định cư mới của Israel tại khu vực chiếm đóng ở Đông Jerusalem và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, Washington (Mỹ).


Nhiều ý kiến từ Mỹ cho rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông mà chính quyền của Tổng thống B.Obama đang nỗ lực theo đuổi đã gặp phải rào cản lớn khi Israel dùng sức mạnh quân sự phá hủy Dải Gaza và gây thương vong cho thường dân. Trong chiến dịch 50 ngày, bom đạn của quân đội Do Thái đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.140 người Palestine, trong đó chủ yếu là trẻ em, người già và phụ nữ vô tội, cùng hơn 11.000 người khác bị thương.

Về kinh tế, việc tái thiết lại Dải Gaza đã hoàn toàn bị san phẳng sẽ phải tiêu tốn đến 7,5 tỷ USD và phải mất đến 5 năm để xây dựng lại nhưng với điều kiện Tel Aviv dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa Gaza. Cuộc chiến của Tel Aviv đã vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, trong đó có Washington, bởi nó thực sự đã gây ra một thảm họa nhân đạo và chính trị. Thêm vào đó, việc Israel tuyên bố kế hoạch xây dựng 2.600 căn nhà định cư ở "những vùng nhạy cảm" thuộc Đông Jerusalem càng làm tình hình thêm "rối tung rối mù".

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Nhà nước Do Thái sẽ gửi đi một "thông điệp rắc rối" nếu tiếp tục đeo đuổi dự án mở rộng các khu định cư, trái ngược với mục tiêu tuyên bố trước đó của chính nước này về mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài với Palestine. Ông J.Earnest nhấn mạnh hành động của Israel chỉ khiến nước này hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế, thậm chí đẩy nước này ngày càng rời xa các đồng minh gần gũi nhất và "đầu độc không khí" trong quan hệ với Palestine cũng như với các quốc gia Ả rập trong khu vực.

Trong khi Tổng thống B.Obama bày tỏ quan ngại về vấn đề các khu định cư vốn là một nguyên nhân đẩy tiến trình đàm phán hòa bình vào bế tắc, Thủ tướng B.Netanyahu lại gây sức ép và đưa ra cảnh báo về hướng đàm phán giữa Iran với các cường quốc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Với mối quan hệ luôn căng thẳng với các quốc gia Ả rập, quân đội Israel luôn phải đặt trong tình trạng báo động cao. Trong khi đó, Iran với những tiến bộ trong phát triển công nghệ hạt nhân đã trở thành một mối đe dọa với chính quyền Do Thái.

Hiện tại Israel là quốc gia duy nhất tại Trung Đông sở hữu vũ khí nguyên tử và Tel Aviv coi việc Tehran có khả năng là quốc gia thứ hai tại khu vực có loại vũ khí này sẽ khiến cán cân quyền lực thay đổi hoàn toàn. Tuy vậy, khi chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Iran phát triển chương trình hạt nhân nhằm vào mục đích quân sự, Tổng thống B.Obama vẫn ra sức thuyết phục Israel tin vào các giải pháp ngoại giao. Nhưng dù mọi nỗ lực của nhóm P5+1 (trong đó có Mỹ) nhằm minh bạch hóa chương trình hạt nhân gây tranh cãi thì Tel Aviv lại khăng khăng khẳng định Tehran theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích phát triển vũ khí và là mối đe dọa thường trực đối với an ninh của Israel.

Đây không phải là lần đầu Mỹ và Israel có những quan điểm bất đồng về những vấn đề trên. Có những lúc mối quan hệ phức tạp và đầy toan tính này tưởng như bị phá vỡ vì hoàn cảnh và mục tiêu riêng. Tuy nhiên, hầu như tất cả những khúc mắc đều được bỏ qua để gây dựng mối quan hệ khăng khít, đặc biệt là những quyết định mang tính chiến lược. Không thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng bao trùm của Mỹ tại Trung Đông, nhưng hiện nay có lẽ chỉ duy nhất Israel là đồng minh thực sự của Mỹ tại khu vực này. Dù rằng các ông hoàng Ả rập nhiều năm qua luôn giữ quan hệ tốt với Washington thì những cái bắt tay này vẫn chưa đủ chặt để có thể tạo nên một liên minh vững chắc. Vậy nên nước Mỹ cần một đồng minh Do Thái vững mạnh tại Trung Ðông để bảo vệ lợi ích trong khu vực chiến lược này. Ngược lại, Israel cũng cần "dựa hơi" một đế quốc hùng mạnh để phát triển kinh tế, quốc phòng và đặc biệt là vấn đề an ninh. Tuy nhiên, không giống như trước kia, những khác biệt giữa Mỹ và Israel xuất hiện nhiều hơn thời gian gần đây, liên quan đến nhiều vấn đề, từ quan điểm trong vấn đề hòa bình Trung Đông đến cách ứng phó với các vấn đề khu vực và quốc tế. Chuyến thăm của Thủ tướng B.Netanyahu đến Washington tiếp tục cho thấy những lập trường khác biệt giữa hai đồng minh thân cận, cho dù chưa thể nói tới một sự rạn nứt nghiêm trọng trong mối quan hệ khăng khít này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Israel - Mỹ: Những lập trường khác biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.