(HNM) - Trong một động thái nhằm cải thiện uy tín của Chính phủ, ngày 22-12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông báo thay thế 6 bộ trưởng, gồm: Y tế, thương mại, du lịch, biển và nghề cá, các vấn đề xã hội, các vấn đề tôn giáo. Đây được cho là bước đi cần thiết giúp lộ trình cải cách của ông J.Widodo thực hiện đúng hướng, mang đến tầm nhìn như mong đợi cho đất nước vạn đảo.
Việc thay thế một loạt bộ trưởng trong nội các đã được Tổng thống J.Widodo đề cập từ 6 tháng trước, thời điểm Bộ trưởng Y tế Agus Putranto bị kéo vào các cuộc tranh cãi liên quan tới phát ngôn về dịch Covid-19. Dư luận cũng không hài lòng về cách thức Chính phủ ứng phó với dịch bệnh khiến nước này trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.
Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới cung cấp, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế Indonesia rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm liên tiếp trong quý II và quý III năm 2020, lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Trong khi đó, trong quý IV năm 2020, tăng trưởng kinh tế Indonesia dự báo âm 1-2%. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 37,61% so với năm 2019 khiến tổng cộng 9,77 triệu người mất việc làm. Lĩnh vực đầu tư và chi tiêu hộ gia đình vốn chiếm hơn 88% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm lần lượt 4,04% và 6,48% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng đã cắt giảm 125 điểm cơ bản lãi suất trong năm 2020 xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 3,75% để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Các ngân hàng thương mại khác tại Indonesia đã giảm lãi suất trong năm 2020, nhưng mức giảm được cho là không quá nhiều như các cơ quan tài chính đã mong đợi.
Đà trượt dốc của nền kinh tế đang đe dọa kế hoạch mang lại cho Indonesia một tầm nhìn mới trong giai đoạn 2019-2024 như Tổng thống J.Widodo cam kết lúc tranh cử. Để thực hiện điều này, đất nước vạn đảo đã xác định triển khai 5 điểm chính. Thứ nhất là tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế đặc biệt và khu du lịch. Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực tương lai, thông qua các chính sách bảo đảm sức khỏe của phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em. Ngoài ra, chính phủ cũng ưu tiên cải thiện chất lượng giáo dục và dạy nghề.
Tiếp theo, Tổng thống J.Widodo cho rằng, đầu tư là một trong những chìa khóa để mở ra cơ hội việc làm; những gì ngăn cản đầu tư sẽ bị loại bỏ. Điểm thứ tư là cải thiện tình trạng quan liêu, xây dựng bộ máy nhà nước đơn giản và hiệu quả. Cuối cùng là bảo đảm ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng một cách tập trung và đúng mục tiêu. Ông J.Widodo đã hứa mạnh tay chống tham nhũng và quyết tâm đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2045.
Nhìn nhận một cách công bằng, từ khi tái đắc cử, Tổng thống J.Widodo đã triển khai nhiều cuộc cải cách như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ trước. Gần đây nhất là kế hoạch cải cách quốc phòng nhằm tăng tính hiệu quả, đồng thời ngăn chặn tham nhũng thông qua “Lộ trình cải cách hành chính giai đoạn 2020-2024” song song với nỗ lực cải tổ ở phạm vi rộng hơn trong bộ máy Chính phủ Indonesia.
Trong nỗ lực thay đổi hệ thống tài chính quốc gia nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Tổng thống J.Widodo cũng đưa ra một loạt biện pháp xử lý các vấn đề trong những tổ chức dịch vụ và thị trường tài chính nhằm bảo đảm hệ thống tài chính của Indonesia phát huy hiệu quả và đáng tin cậy hơn.
Tuy nhiên, trước tốc độ lây lan của dịch bệnh, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, nền kinh tế Indonesia khó có thể phục hồi trong ngắn hạn.
Nỗ lực cải tổ nội các được hy vọng sẽ giúp mang lại tác động tích cực trong những lĩnh vực chủ chốt. Đây sẽ là nền tảng cần thiết để Indonesia xây dựng kế hoạch cho thời kỳ hậu Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.