(HNMO) - Theo CNBC ngày 14-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng đối với một số nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, trong khi đưa ra dự báo lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, IMF dự báo 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng chung 4,9% trong năm 2021, thấp hơn so với dự báo 5,2% được đưa ra trước đó.
Phó Giám đốc phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của IMF Jonathan Ostry cho biết, tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới và việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đang làm suy giảm triển vọng kinh tế của một số quốc gia Đông Nam Á.
Indonesia, Malaysia và Philippines là những quốc gia đã buộc phải siết chặt các biện pháp hạn chế trong năm 2021 nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh sau khi số ca nhiễm tăng đột biến. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng tại những quốc gia này cũng đang diễn ra với tốc độ chậm hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Dữ liệu thống kê cho thấy, 3,76% người dân Indonesia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, thấp hơn mức toàn cầu 5,76%. Tỷ lệ này tại Malaysia và Philippines lần lượt là 1,8% và 0,96%.
Bên cạnh việc giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Nam Á, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 7,3% lên 7,6% cho năm 2021. Đối với nền kinh tế toàn cầu trong cùng năm, quỹ này cũng nâng dự báo tăng trưởng từ 5,5% lên 6%.
Theo ông Jonathan Ostry, các quốc gia có nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đứng trước triển vọng tươi sáng hơn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021.
IMF đồng thời cũng nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 8,4% trong năm 2021, cao hơn dự báo 8,1% trước đó, trong khi Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 12,5%, tăng so với dự báo 11,5% ban đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.