(HNMO) - Tính đến 6h ngày 27-6, toàn thế giới có 9.883.623 ca mắc Covid-19, trong đó có 495.613 trường hợp tử vong và 5.344.264 bệnh nhân đã hồi phục.
Ngày 26-6, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 bùng phát có thể khiến quỹ này phải huy động 1.000 tỷ USD trong tổng nguồn lực của mình. Bà K.Georgieva cũng nhận định rằng nỗ lực hồi phục kinh tế phải được tiến hành ngay cả khi không có đột phá về y học và vi rút SARS-CoV-2 vẫn còn lan rộng trên thế giới, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu sẽ trầm trọng hơn so với dự đoán ban đầu.
Cùng ngày, Liên minh chống dịch Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu cho biết, liên minh này cần 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm vắc xin cũng như phương pháp điều trị. Hiện WHO đã nhận được 3,4 tỷ USD và còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó hơn 13 tỷ USD cần được hỗ trợ gấp. Đối tượng chính được thụ hưởng là các nước thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến của WHO là tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu lượt và 245 triệu đợt điều trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2021; nâng số liều vắc xin lên 2 tỷ, trong đó có 1 tỷ liều dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
Châu Mỹ
Ngày 26-6, Brazil ghi nhận thêm 41.827 trường hợp mắc Covid-19 và 907 ca tử vong, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ về tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp quốc gia Nam Mỹ này có trên 40.000 ca mắc mới. Các chuyên gia cảnh báo, dịch Covid-19 đang lan rộng tại các thị trấn nhỏ ở Brazil và có nguy cơ lây lan trở lại các thành phố lớn do “hiệu ứng boomerang”, bởi việc thiếu các thiết bị và nhân lực y tế buộc bệnh nhân phải tới các đô thị lớn để tìm kiếm sự điều trị.
Ngày 26-6, Hãng hàng không United Airlines của Mỹ cho biết, hãng này sẽ nối lại đường bay đến Trung Quốc, với 2 chuyến bay mỗi tuần giữa San Francisco và Thượng Hải, bắt đầu từ ngày 8-7 tới. Hãng cũng sẽ khởi động lại các chuyến bay tới Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Hongkong (Trung Quốc).
Reuters dẫn lời các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết, các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu nắm được một số vấn đề sức khỏe do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, trong khi vẫn còn hàng loạt vấn đề có thể ảnh hưởng tới bệnh nhân và hệ thống y tế trong nhiều năm tới. Bên cạnh đường hô hấp, vi rút có thể tác động tới tuyến tụy, gan, não, thận và các cơ quan khác. Do đó, ngoài suy hô hấp, bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu dẫn đến đột quỵ, xuất hiện triệu chứng viêm tại một số cơ quan, đồng thời bị các biến chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, co giật…
Châu Âu
Ngày 26-6, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm, trong đó thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19, hợp tác an ninh, kinh tế, biện pháp ứng phó với dịch bệnh và phương hướng nối lại du lịch giữa hai nước, đồng thời nhất trí duy trì các kênh liên lạc song phương.
Ngày 26-6, Chính phủ Anh cho biết nước này sẽ không yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia được đánh giá là có nguy cơ lây lan Covid-19 thấp. Đây là biện pháp nới lỏng hạn chế mới nhất được đưa ra trong bối cảnh các quan chức đang tìm cách giảm bớt thiệt hại kinh tế do dịch bệnh.
Một hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia sẽ phân chia các quốc gia thành 3 loại: Xanh lá cây, hổ phách và đỏ, trong đó hành khách đến từ các quốc gia thuộc nhóm xanh lá cây và hổ phách sẽ không cần cách ly trong vòng 14 ngày. Chính phủ Anh cũng cho biết sự nới lỏng này sẽ được thực hiện một cách thận trọng và sẽ chấm dứt nếu có bất kỳ rủi ro nào xuất hiện.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo sự lơ là, chủ quan của người dân trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới tại một số nước, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng. Do đó, người đứng đầu Chính phủ Anh kêu gọi mọi người, đặc biệt là giới trẻ nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh.
Châu Á
Trong buổi họp báo ngày 26-6, giới chức Trung Quốc cho biết thủ đô Bắc Kinh đã bắt đầu dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tuần tại hàng chục tòa chung cư nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Cụ thể, lệnh phong tỏa đã được nới lỏng đối với 7 tòa chung cư ở Bắc Kinh sau khi các cư dân có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.