(HNM) - Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a đã chính thức khởi động. Đây là dự án rất mới, nếu không muốn nói là gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Về làm việc tại các xã nghèo là cơ hội để trí thức trẻ phát huy khả năng đóng góp cho đất nước. Ảnh: Đình Trân
Ngày 27-8-2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo (sau này bổ sung thêm 1 huyện). Đây là những huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, hầu hết ở các tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, diện tích tự nhiên rộng nhưng ít đất canh tác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt... Chương trình 30a nhằm đưa các huyện này phát triển về mọi mặt, phấn đấu đến năm 2020 ngang bằng với các huyện khác trong khu vực.
Dự án đưa 600 trí thức trẻ về 62 huyện nghèo làm phó chủ tịch UBND xã là để kích thích phát triển kinh tế các địa phương này. Những thanh niên được tuyển chọn ngoài tốt nghiệp các trường ĐH với chuyên ngành thiên về kinh tế còn cần nhiệt huyết và tinh thần tự nguyện, sẵn sàng chịu gian khổ, thử thách. Bởi, không phải ai cũng có thể từ bỏ những mục tiêu nơi đô thị để đến làm việc ít nhất 5 năm trời tại những vùng đất xa lạ, điều kiện khó khăn, thiếu thốn.
600 xã được chọn tham gia dự án trên tổng số 894 xã nghèo đã được Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát tình hình. Vấn đề chung của số xã này là thiếu cán bộ. Mà ở các xã nghèo, vùng sâu vùng xa, việc tuyển chọn một cán bộ có trình độ để nắm giữ vị trí phó chủ tịch UBND xã là việc không dễ. Vì vậy, sự hỗ trợ từ nguồn cán bộ ngoài địa phương rất cần thiết, vừa nhanh có cán bộ mà chất lượng lại bảo đảm. Họ được kỳ vọng trở thành những nhân tố mới đưa những vùng đất nghèo dần dần vượt lên.
Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một sẽ bắt đầu được thực hiện ngay trong năm nay với việc tuyển chọn 100 trí thức trẻ để bố trí về 5 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum. Những người được chọn sẽ được bồi dưỡng 2 tháng về những kiến thức cần thiết cho vị trí phó chủ tịch xã ở lĩnh vực kinh tế. Sau đó, họ sẽ có khoảng 1 tháng thực hành những kiến thức này tại địa phương. Đây là thời gian trắc nghiệm khả năng của mỗi người, vừa tìm kiếm sự hòa hợp giữa chính quyền, người dân địa phương với những "người mới đến". Nếu thuận lợi, trí thức trẻ sẽ "về làm thật". Sau khi hoàn tất cả thủ tục bầu cử, các phó chủ tịch mới sẽ được hưởng chế độ tương ứng với chức danh. Ngoài ra còn được bố trí nơi ở, được hưởng chế độ trí thức trẻ tham gia phát triển nông thôn, miền núi và chính sách khuyến khích cán bộ có chuyên môn về các xã nghèo.
Lợi ích chỉ là yếu tố phụ
Ông Vũ Đăng Minh, đại diện Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ - cơ quan đề xuất dự án này cho biết, thực hiện dự án có Ban quản lý cấp TƯ và triển khai xuống các tỉnh. Ban quản lý sẽ theo sát quá trình thực hiện để vừa giám sát, vừa can thiệp, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Đây là sự bảo đảm trước những lo lắng rằng trí thức trẻ được điều về có thể bị cô lập, không được hợp tác… Dẫu sao, thực tế vẫn luôn luôn khác so với những tính toán lý thuyết. Vì vậy, mỗi trí thức trẻ đã xác định dấn thân tham gia dự án chắc chắn sẽ đối mặt với những thử thách thực sự trong thực tiễn công việc. Không chỉ được hưởng các điều kiện ưu đãi cần thiết để yên tâm công tác, họ có môi trường để thể hiện kiến thức, bản lĩnh cũng như những ý tưởng sáng tạo.
Dẫu biết rằng, để thu hút trí thức trẻ tham gia dự án này, những người xây dựng đã có trù tính cẩn thận về lợi ích của người tham gia, nhưng tất cả cần được xác định là yếu tố phụ. Chỉ có bằng tinh thần dấn thân tự nguyện để tự tạo thử thách cho bản thân, để trải nghiệm và cống hiến, những trí thức trẻ mới có thể giúp hoàn thành mục tiêu của dự án. Đây cũng là điều có lẽ những người triển khai dự án nên xác định rõ để tránh sa đà vào yếu tố lợi ích hoặc lơ là việc giáo dục tinh thần chủ động của người tham gia. Sự chủ động của các trí thức trẻ không chỉ giúp họ thâu lượm hiệu quả kiến thức cần thiết cho vị trí phó chủ tịch xã mà còn giúp họ bao quát, yêu thích công việc và chủ động thực hiện chức trách của mình. Mà việc gì làm bằng tinh thần tự nguyện sẽ rất dễ dẫn đến thành công.
Quy trình tham gia, tuyển chọn Hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định, trình tự, thủ tục, hồ sơ để đăng ký và xét tuyển. Các mẫu đơn, mẫu hồ sơ sẽ được đăng phát công khai trên mạng. Hồ sơ chính thức sẽ có đóng dấu, xác nhận của chính quyền địa phương. Hồ sơ đăng ký của trí thức trẻ ở đâu thì sẽ chuyển về địa phương đó để tổ chức đăng ký tuyển chọn tại địa phương, giảm chi phí đi lại, không phải tập trung tại Bộ Nội vụ. Sau khi tập hợp hồ sơ, UBND tỉnh phối hợp với Tỉnh ủy thành lập Hội đồng tuyển chọn ở tỉnh, gồm chủ tịch các huyện nghèo, Sở Nội vụ đóng vai trò là cơ quan thường trực phối hợp để tuyển chọn. Bộ Nội vụ sẽ giữ vai trò giám sát. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.