(HNM) - 12 năm trước, Chính phủ cho thành lập Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP) với mong muốn gây dựng nó trở thành một trung tâm công nghệ của Việt Nam. Thế nhưng phải đến những năm 2008, 2009 người ta mới thấy rõ hình hài một "Thành phố khoa học" đang mọc lên ở vùng đất gò đồi Thạch Thất (Hà Nội) với 36 dự án cam kết đầu tư, tổng giá trị là khoảng 1,036 tỷ USD.
Một góc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - “Thành phố khoa học” tương lai. Ảnh: Bá Hoạt |
Có được những con số ấy, những người đang công tác tại HHTP thấm thía hơn ai hết những khó khăn đã trải qua. Đó là câu chuyện giải phóng mặt bằng đầy trắc trở, giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng là con số 0 tròn trĩnh. "Nó" tròn đến nỗi mà nói như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Văn Lạng, kiêm Trưởng ban quản lý HHTP thì trước khi ông về "nắm" đơn vị, hầu hết nhân viên vẫn đặt ở... nội thành Hà Nội. "Việc đầu tiên khi tôi về HHTP (cuối năm 2006) là chuyển tất cả các nhân viên lên làm việc tại Hòa Lạc. Vì nếu mình không ở đó thì khó có thể thuyết phục DN, các cơ quan khoa học đến đấy đầu tư được" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng tâm sự như thế.
Những ngày đi làm bằng xe buýt với chặng đường khoảng 60km/ngày dần đã trở thành thói quen của anh chị em. Khó khăn rồi cũng vơi đi, công việc bắt đầu đi vào nền nếp. 3 năm qua ghi nhận một sự thay đổi khá rõ tại HHTP. Hải quan, bưu điện, ngân hàng, cấp phép đầu tư... cũng quy tụ cả về đây để xây dựng một thành phố khoa học, mà nói như nhiều người thì mô hình phát triển cho nó đã không còn mơ hồ như ngày nào.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cho biết: Chúng tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, tham quan nhiều khu CNC với những mô hình phát triển rất khác nhau. Silicon Valley của Mỹ rất khác với Tân Trúc, Cao Hùng của Đài Loan (Trung Quốc). Khu CNC cao của người Nhật Bản cũng rất khác khu CNC của người Ấn Độ, người Hàn Quốc. Chúng tôi đã đi, đã lựa chọn và sàng lọc. Tôi nghĩ HHTP có nhiều nét tương đồng với khu CNC của Trung Quốc. Đó là gắn đào tạo với nghiên cứu và sản xuất. Từ trước tới nay, ở Việt Nam vẫn luôn có tình trạng, người nghiên cứu cứ nghiên cứu, người đào tạo cứ đào tạo và người sản xuất cứ sản xuất. Chúng tôi sẽ tạo ra một dây chuyền đồng bộ gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất...
Ý tưởng ấy dần thành hiện thực, năm 2009 nhiều hạng mục đầu tư vào HHTP đã được khởi công xây dựng. Đó là Trường Đại học FPT, Viện KHCN tàu thủy, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, Công ty cổ phần Misa... chưa kể nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang ngỏ lời với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD mang lại nhiều hứa hẹn.
Không đợi đến khi những sản phẩm "Made in Hòa Lạc" chính thức xuất xưởng, HHTP cũng đặc biệt quan tâm đến mô hình ươm tạo CNC. "Một năm qua, vườn ươm DN (HBI) với 13 nhóm của 8 công ty đang hoạt động đã cho ra đời khoảng 30 sản phẩm có khả năng ứng dụng cao. Ví dụ: Công ty cổ phần Xanh có tới gần chục sản phẩm, trong đó nổi bật nhất là LTH 100 xử lý ô nhiễm sông hồ. Tương tự, Công ty AI Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm đã và đang thương mại hóa. Hiện có một nhóm vừa học tiến sĩ ở Đức về đang làm "một số thứ" rất ấn tượng như tinh nghệ dứa, bột chiết trứng kiến gai đen. Dù chưa có con số chính thức, nhưng tôi khẳng định, nhiều DN đã thu được lợi nhuận. LTH 100 lúc nào cũng "cháy" hàng. Trường trực tuyến của Công ty AI Việt Nam, với số lượng 6.000 người truy cập/ngày giúp thu về đến 20 tỷ đồng/năm" - người được giao trọng trách đưa HHTP trở thành "Thành phố khoa học" không giấu niềm vui trước những kết quả ban đầu đầy ý nghĩa đó.
... Những ngày này, khi công trình đường cao tốc nối liền Hà Nội và Hòa Lạc đang được thi công với nhịp độ khẩn trương để kịp đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì HHTP cũng bước vào vận hội mới. Từ nội thành Hà Nội đến đây nay chỉ mất khoảng 35 phút và hứa hẹn sẽ tiếp tục được rút ngắn khi đường cao tốc hoàn thiện. Hiện tại, Khu nghiên cứu và ứng dụng triển khai của HHTP cũng đang triển khai việc lắp đặt các đường ống kỹ thuật phục vụ cho cơ sở hạ tầng. Mặc dù số lượng các công trình tại đây chưa nhiều so với 1.586ha tổng dự án nhưng ngày ngày những âm thanh vang vọng từ các công trình xây dựng vẫn như lời chào của thành phố khoa học tương lai tới các nhà đầu tư...
Sau khi được điều chỉnh quy hoạch, HHTP có diện tích 1.586 ha. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và ứng dụng công nghệ cao (CNC) tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp CNC, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC. HHTP bao gồm 10 phân khu chức năng với đầy đủ dịch vụ tổng hợp, nhà ở kết hợp văn phòng, chung cư, khu thể thao, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, khu đào tạo... Dự kiến, HHTP sẽ có dân số là khoảng 14 vạn người vào năm 2015 và đến 2020 là khoảng 23 vạn người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.