(HNM) - Châu Âu có lý do để nổi giận khi các nhà đánh giá tín nhiệm bên kia bờ Đại Tây Dương không ngừng giảm chỉ số tin cậy của nền tài chính Hy Lạp.
Chẳng bao lâu sau thời điểm tuyên bố rằng Hy Lạp coi như đã vỡ nợ hoặc vỡ nợ một phần, Fitch vừa bất ngờ nâng xếp hạng tín dụng của Hy Lạp lên B - như một phản ứng tích cực trước chương trình hoán đổi nợ công của nước này làm gánh nợ của Athens giảm bớt khoảng 100 tỷ euro, tương đương 1/3 tổng dư nợ.
Với nhận định có phần bớt khắt khe của Fitch, Hy Lạp đã được giới tài chính quốc tế đưa ra khỏi nhóm vỡ nợ. Nếu với công bố trước đó từng làm cả thế giới lo sợ quả bom Hy Lạp sắp phát nổ đến nơi, thì việc Athens lần đầu tiên được nâng mức xếp hạng tín dụng kể từ khi mở màn cho cơn khủng hoảng nợ chưa hề có trong lịch sử Châu Âu quả thực là cơn gió lành làm dịu bớt không khí lo lắng hiện nay. Dù vẫn nằm trong nhóm có nguy cơ vỡ nợ cao, nhưng động thái của Fitch đã phần nào làm an lòng cả Châu Âu và giới đầu tư toàn cầu rằng các nỗ lực cứu trợ, thỏa thuận giảm nợ của các chủ nợ tư nhân… là những cú tiếp sức cần thiết với "con bệnh" mang tên Hy Lạp.
Tiếp sau sự ủng hộ của Châu Âu về gói cứu trợ thứ hai, sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, thỏa thuận hoán đổi nợ lớn ngoài dự kiến được nhìn nhận như một kết quả không thể mỹ mãn hơn với Hy Lạp trong những ngày nóng bỏng hiện nay. Có tới 85,8% nhà đầu tư tư nhân đồng ý xóa một phần nợ cho Hy Lạp, chuyển 177 tỷ euro nợ đến hạn thanh toán sang nợ dài hạn trong 30 năm. 69% số chủ nợ quốc tế cũng bước đầu nhất trí về một thỏa thuận tương tự trong khi các ngân hàng và quỹ hưu trí cũng chấp nhận "nhường cơm sẻ áo" để chịu thua lỗ lên đến 75% với các khoản đầu tư "đã rồi" vào quốc gia đang ngập trong nợ nần. Để thuyết phục các chủ nợ cam lòng với những ngân khoản của họ bỗng không cánh mà bay, Athens đã phải tuân thủ những liệu trình chi tiêu kham khổ nhiều đau đớn và vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân trong nước. Ngược lại, các khổ chủ của Hy Lạp cũng nhận thấy đã đến lúc phải đối diện với sự thật là nếu không gật đầu để xóa và hoán đổi nợ, thì quê hương của Thần Zeus khó có con đường nào khác là phải tuyên bố phá sản. Đến lúc đó, khả năng để các nhà đầu tư tìm lại những gì đã mất sẽ chỉ là vô vọng.
Sự hào phóng của các chủ nợ đã cứu quốc gia đang gặp rất nhiều vấn đề về tài chính này khỏi một thảm kịch cay đắng. Không được xóa nợ và lùi ngày trả nợ, nền kinh tế Athens sẽ bị phá sản và có thể kéo cả Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vào một cuộc khủng hoảng mà thiệt hại là không thể dự đoán như hiệu ứng domino từng xảy ra ở nhiều quốc gia chi nhiều hơn thu thời gian qua. Chưa kể đến gánh nặng lãi suất phải trả hằng năm lên tới 16,4 tỷ euro vào năm ngoái của Hy Lạp sẽ được giảm đáng kể, thỏa thuận hoán đổi nợ còn là chiếc cầu nối duy nhất để đất nước Nam Âu nhận được sự hỗ trợ quý báu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Eurozone. Hiếm khi nào cùng lúc, cả hai định chế tài chính hàng đầu thế giới đồng ý rót vốn để Hy Lạp tiếp tục trụ vững. Sau quyết định giải ngân 39,4 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, ngày 16-3, IMF cũng đã mở hầu bao với khoản cho vay mới trị giá 28 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Đã lâu lắm rồi nền kinh tế xứ sở Thần thoại mới nhận được tin vui đến thế. Với ngân khố kiệt quệ, những khoản cứu trợ này có ý nghĩa quyết định để Athens thoát khỏi quỹ đạo phá sản khi khoản nợ 14,5 tỷ euro phải trả vào ngày 20-3 đã được đếm giờ.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra với Hy Lạp chưa hẳn hoàn toàn có thể biến hung thành cát. Dù được nhận hỗ trợ hay được giảm nợ nần cũng sẽ chẳng đi đến đâu nếu quốc gia bên bờ Địa Trung Hải không mau chóng đặt dấu chấm hết cho cuộc suy thoái đã kéo dài nhiều năm qua với số nợ công gần 400 tỷ euro và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 21%. Nền kinh tế đang nợ nần chồng chất này chỉ tăng trưởng vào năm 2014 sau khi âm 4,8% trong năm nay, 0% trong năm 2013 - nhận định của IMF khiến nhiều nhà đầu tư khó có thể an lòng. Nhưng, ít nhất vào lúc này, Hy Lạp cũng đã đưa thế giới bước vào hy vọng để tin rằng mây mù rồi sẽ tan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.