(HNM) - Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) khóa XI vừa diễn ra tại Hà Nội (ngày 22, 23-11) đã bầu ra BCH gồm 6 người, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên giữ chức Chủ tịch. Một nhiệm kỳ mới đã bắt đầu với nhiều nỗi băn khoăn và cả niềm hy vọng tiếp tục xây chắc nền móng cho sự phát triển lâu dài, rực rỡ của văn học Thủ đô. Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên đã chia sẻ suy nghĩ của ông với bạn đọc Hànộimới.
Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên (thứ hai từ trái sang) và BCH mới của Hội Nhà văn Hà Nội. |
- Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch một hội với hơn 500 hội viên gồm những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả của Thủ đô, cảm xúc của ông thế nào?
- Tôi nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình trước HNVHN ở vào một nhiệm kỳ mới, khi Thủ đô vừa kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, mở ra triển vọng tốt đẹp cho văn học. Tôi sẽ cùng BCH Hội khóa XI quyết tâm làm cho HNVHN trở nên sang trọng, xứng với tầm vóc Thủ đô.
- Đại hội chỉ bầu ra được 6 ủy viên BCH, trong đó chỉ có mình ông là nhà phê bình giữa một "rừng" nhà thơ, ông tiên lượng trước những khó khăn và thuận lợi nào đối với một "bộ chỉ huy" như vậy?
- Khi biết kết quả bầu cử, có người đã nói vui: Một ông phê bình dẫn đầu năm ông nhà thơ hay năm ông nhà thơ vây lấy một ông phê bình. Câu trả lời của tôi là: Nhà thơ vẫn biết đọc văn, phê bình vẫn hiểu dịch thuật, BCH làm việc tập thể và còn các hội đồng chuyên môn biết lắng nghe ý kiến hội viên, tranh thủ ý kiến chuyên gia, nên không lo việc thẩm định, đánh giá văn chương kỳ này bị thiên lệch.
- Ông tiếp tục duy trì những đường hướng cơ bản nào - về tổ chức bộ máy, hoạt động đã thành quen thuộc trong nhiệm kỳ cũ và sẽ có những đổi mới gì?
- BCH khóa X cũng chỉ có 6 người (năm cuối, sau khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất mới bổ sung thêm 2 người) nhưng đã làm được nhiều việc, tạo được diện mạo mới cho HNVHN. BCH khóa XI sẽ tiếp tục đường hướng đó để nâng tầm văn học Hà Nội xứng với vị thế và tính chất của Thủ đô. Chúng tôi dự tính kiện toàn các hội đồng chuyên môn, lập ra các ban hoạt động mới, hoàn thiện quy chế giải thưởng hằng năm, mở rộng các mối quan hệ, liên kết. Tất cả hoạt động của Hội đều nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên sáng tạo tác phẩm chất lượng cao nhất.
- Với vai trò là Chủ tịch, lại là một nhà phê bình văn học, ông dự định sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy công tác lý luận phê bình trong đời sống văn học Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung? Đã có lần ông nói "Lý luận phê bình đang chuyển đổi". Vậy, đến nay, sự chuyển đổi đó đang thể hiện thế nào, thưa ông?
- Ngành lý luận phê bình ở hội nào cũng là ngành khó, ít người làm. Tuy nhiên, ở Thủ đô có thuận lợi riêng. Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí, nên số người làm lý luận phê bình khá đông. HNVHN sẽ tìm cách tập hợp, liên kết đội ngũ này, cả người đã là hội viên và người chưa vào hội, để LLPB thực sự có vai trò quan trọng khi xét giải thưởng hằng năm, cũng như góp phần định hướng văn học phát triển trên địa bàn Thủ đô. LLPB thời gian qua đã bắt đầu đi vào chiều sâu, chú trọng tính học thuật, biết vận dụng các lý thuyết cũ và mới vào thực tế văn học. Bản thân tôi, vừa với tư cách của người làm LLPB, vừa với tư cách Chủ tịch hội, sẽ gắng cập nhật hoạt động của Hội theo hướng khoa học này.
- Ông là người tích cực ủng hộ những cây bút trẻ có cách nhìn mới mẻ. Tới đây, trong việc xét giải của HNVHN có ý kiến cho rằng sẽ có sự mới mẻ, những điều mang tính đột phá, nhưng khả năng "đứng" được lâu dài trong lòng công chúng thì chưa chắc chắn. Ông có nghĩ như vậy không?
- Giải thưởng văn học hằng năm của HNVHN từ khóa X đã gây được tiếng vang, tạo uy tín nhờ biết kết hợp được tính địa phương và tính thủ đô, nghĩa là khi trao giải đã cố gắng đặt tác phẩm ở tầm phát triển chung của văn học cả nước, tôn trọng những tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo, khuyến khích những cách viết mới có giá trị. Tuy chất lượng tác phẩm được giải hằng năm không đồng đều, nhưng định hướng giải thưởng thì không thay đổi. Giải thưởng không chỉ ghi nhận cái đã có, mà quan trọng hơn là nó chỉ ra một hướng vận động, một xu thế. Như thế, công chúng có khi phải chờ đợi hiệu quả của giải thưởng về lâu dài, chứ không phải tức thời. Tất nhiên, tác phẩm nào được giải mà vừa có tính đột phá, vừa được công chúng yêu thích ngay thì là rất quý.
- Ông có nhận xét gì về dòng văn học Thủ đô những năm gần đây, đâu là những tín hiệu đáng mừng và đâu là những dấu hiệu đáng lo ngại? Tuy rằng sự kiện Đại lễ 1000 năm TL-HN đã qua, nhưng HNVHN sẽ tiếp tục cuộc vận động sáng tác với cảm hứng Thủ đô nghìn tuổi như thế nào, thưa ông?
- Văn học Thủ đô đã có những chuyển biến nhất định trong thời gian qua, khi người viết ngày càng gắng đi sâu vào lịch sử, vào điều cốt lõi của hiện thực, để không chỉ phản ánh mà còn suy ngẫm về thực tại cuộc sống hôm qua và hôm nay. Một số tác phẩm đã có tiếng vang nhất định. Tuy nhiên, người viết vẫn luôn trăn trở và người đọc vẫn luôn mong mỏi trước một thực tế là chưa có những tác phẩm đạt đến trình độ nghệ thuật cao về cuộc sống và con người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, làm lay động nhận thức và tình cảm, khơi dậy được những suy nghĩ sâu xa. Trong dòng chảy chung của văn học Thủ đô, chúng tôi rất chú ý đến lớp trẻ. Có thể, trong nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ kiến nghị với thành phố mở một hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội, hy vọng từ đó sẽ có những trang viết mới sâu sắc về Thủ đô.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.