(HNM) - Chiến tranh kết thúc gần 40 năm nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình chưa lành vết thương lòng khi người thân là liệt sĩ chưa
Niềm vui của một gia đình
Một ngày trong xanh, nắng chan hòa khắp con đường nhỏ của xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình như cùng chung niềm vui với gia đình liệt sĩ Phạm Văn Từ. Cả gia đình ai nấy đều vui dù nước mắt rưng rưng. Vui nhất là người mẹ già đã ngoài 90 tuổi. Cụ tâm sự: "Những tưởng mẹ nhắm mắt xuôi tay mà không được biết tin con, nhưng xuân này con đã về để mẹ có một mùa xuân ý nghĩa nhất…".
Cán bộ Trung tâm MARIN tiếp nhận thông tin từ các gia đình liệt sĩ. |
Liệt sĩ Phạm Văn Từ, sinh năm 1950, là con trai cả trong một gia đình có 5 anh chị em. Anh xung phong nhập ngũ năm 1968 khi đang là học sinh giỏi lớp 10 trường làng. Trong gần một năm kể từ khi nhập ngũ đến khi hy sinh, anh lính trẻ chỉ được về thăm nhà 3 ngày ngắn ngủi. Chị Phạm Thị Mến, em gái út của liệt sĩ xúc động nói: "Lúc anh đi bộ đội, tôi mới học lớp 4. Nhà nghèo quá nên lá thư đầu từ chiến trường gửi về anh đều khuyên các em cố gắng học tập để sau này cuộc sống đỡ khổ". Là con của chú ruột và là bạn chiến đấu cùng chiến trường với liệt sĩ Phạm Văn Từ, cựu chiến binh Phạm Cao Nha bồi hồi nhớ lại: "Ngày đó, anh đã chích máu ở tay để viết đơn xung phong nhập ngũ. Thanh niên cả làng, cả xã lúc ấy đều làm theo anh, tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc…". Khi đất nước giải phóng, không thấy anh trở về, gia đình lặn lội đi hỏi thì đến tháng 5-1976 nhận được tờ giấy báo tử. Thông tin trên giấy chỉ ghi vẻn vẹn: Liệt sĩ Phạm Văn Từ, chiến sĩ đơn vị P2, hy sinh ngày 20-12-1969 tại mặt trận phía Nam. Những thông tin ít ỏi khiến hành trình đi tìm liệt sĩ của gia đình hết sức vất vả… Cuối tháng 8-2013, tình cờ biết được Trung tâm MARIN, em trai của liệt sĩ là Phạm Đức Khiết đã tìm đến nhờ tư vấn.
Qua tra cứu tại nguồn dữ liệu về hơn 900.000 hồ sơ liệt sĩ, Trung tâm đã phát hiện trong hồ sơ liệt sĩ do Bộ Quốc phòng chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình có liệt sĩ Phạm Văn Từ trùng khớp thông tin thân nhân, ngày nhập ngũ nhưng nguyên quán là thị trấn Nho Quan (Ninh Bình) khác với nguyên quán Khánh Cường, Yên Khánh, (Ninh Bình) như trên giấy báo tử. Bằng kinh nghiệm, các tư vấn viên đã phân tích và khẳng định hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Từ, nguyên quán thị trấn Nho Quan, (Ninh Bình) có sự nhầm lẫn và hướng dẫn gia đình làm đơn xin xác minh thông tin tại Phòng Lao động TB&XH của hai huyện Nho Quan và huyện Yên Khánh. Trung tâm cũng đã hướng dẫn gia đình xin Trích lục hồ sơ quân nhân, trong đó có ghi rõ: Liệt sĩ Phạm Văn Từ thuộc đơn vị E31, F2, Quân khu 5, nơi hy sinh thôn 2, Phước Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ngày hy sinh 1-9-1969. Cũng từ nguồn dữ liệu, Trung tâm MARIN đã cung cấp cho gia đình thông tin về phần mộ số 25 hàng 2, lô A trong nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có tên liệt sĩ Phạm Văn Từ, đơn vị E31. Trên cơ sở bản Trích lục hồ sơ quân nhân từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình và dữ liệu về phần mộ liệt sĩ thực tế tại nghĩa trang, Trung tâm MARIN đã hoàn thiện hồ sơ, gửi công văn cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh và bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ tại ngôi mộ số 25 hàng 2, lô A trong nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Hà. Với nguồn thông tin chính xác về hồ sơ quân nhân do Bộ Quốc phòng quản lý và danh sách các liệt sĩ đang yên nghỉ trên hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước và bằng kinh nghiệm, Trung tâm MARIN đã khớp nối và điều chỉnh thành công trường hợp phần mộ của liệt sĩ Phạm Văn Từ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.
Anh Phạm Đức Khiết, người con trai còn lại duy nhất của gia đình liệt sĩ vui mừng cho biết: "Tìm được mộ của anh tôi rất nhanh, chính xác, bảo đảm đúng pháp luật là nhờ Trung tâm MARIN đã hỗ trợ cho gia đình chúng tôi về mặt pháp lý. Trước đây, gia đình tôi chỉ nắm được một số thông tin nhưng chưa hiểu chính sách, do vậy phải trải qua nhiều thời gian mà không tìm được".
Nhân lên những việc nghĩa
Sự đồng hành của Trung tâm MARIN đã khiến cho hành trình dài gần 30 năm tìm mộ của gia đình liệt sĩ Phạm Văn Từ có được kết quả rất có hậu mà bất cứ gia đình liệt sĩ nào đang trong hành trình đi tìm mộ người thân đều mong muốn. Đây chính là phần khởi đầu suôn sẻ để Trung tâm MARIN thực hiện tiếp Dự án "Khớp nối thông tin trên bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ" mà Trung tâm đang thực hiện từ cuối năm ngoái.
Trung tâm MARIN là một đơn vị thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (thuộc Bộ Tư pháp). Là tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, MARIN mong muốn được chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh, thực hiện đền ơn đáp nghĩa thông qua việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin và các chính sách có liên quan đến liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ. Với kinh nghiệm 10 năm hoạt động và nguồn dữ liệu của hơn 900.000 liệt sĩ đang có, Trung tâm MARIN là đơn vị đi đầu trong công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, tìm kiếm các thông tin liên quan đến liệt sĩ và các chính sách có liên quan đến thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: "Hiện nay, tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước có rất nhiều phần mộ liệt sĩ khuyết thông tin như có tên hoặc thiếu tên, thiếu một hoặc toàn bộ thông tin để xác định chính xác nhân thân liệt sĩ… Do đó, đã nhiều năm nay những ngôi mộ đó vẫn vắng bóng người thân thăm viếng, trong khi thân nhân của họ phải lặn lội nhiều nơi tìm kiếm. Việc khớp nối thông tin, dữ liệu đầy đủ để liệt sĩ trở về quê hương sẽ đánh dấu bước phát triển mới của MARIN. Đây là niềm mong ước của chúng tôi ngay từ ngày đầu thành lập". Với nguồn dữ liệu phong phú về liệt sĩ hiện có, với tấm lòng tri ân liệt sĩ sâu sắc và kinh nghiệm 10 năm tư vấn thông tin về liệt sĩ, MARIN đang tiếp tục hành trình trên con đường tư vấn thông tin tìm mộ liệt sĩ. Được biết, trong giai đoạn 1 của dự án, Trung tâm MARIN sẽ tập trung đến những phần mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin hiện đang nằm tại các nghĩa trang của 4 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 127 triệu đồng, trong đó toàn bộ kinh phí dành cho công việc, nhân viên dự án làm việc tình nguyện không hưởng thù lao.
Thêm một phần mộ liệt sĩ xác định được chính xác họ tên, nguyên quán, là bớt được nỗi đau cho một gia đình, thậm chí là một dòng họ. Thực hiện Dự án "Khớp nối thông tin trên bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ", MARIN đã bước thêm một bước trên con đường góp phần xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh mà trung tâm đã đề ra từ ngày đầu thành lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.