Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng bước tiến mới

Đình Hiệp| 23/01/2011 06:37

(HNM) - Cuối cùng thời gian biểu cho cuộc gặp quân sự trù bị và đàm phán quân sự cấp cao liên Triều đã được Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Yong-Chun ấn định vào cuối tháng này và đầu tháng 2 tới trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin cuối tuần qua. Nếu thuận buồm xuôi gió, đây sẽ là cuộc tiếp xúc quan trọng cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên trong nhiều năm qua.

Hai miền Triều Tiên đã liên lạc với nhau qua Hội Chữ thập đỏ ở làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Ảnh: Reuters

Không còn giữ thái độ khăng khăng Triều Tiên là "kẻ thù" và đe dọa nghiêm trọng nền an ninh, Seoul đã chấp thuận đề xuất trên của Bình Nhưỡng khi hối thúc hai bên cần tiến hành các cuộc đàm phán riêng giữa các quan chức cấp cao chính phủ để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Với Hàn Quốc, giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một vấn đề thiết yếu với an ninh trong khu vực, song điều quan trọng hơn vẫn là thái độ hợp tác thiện chí và sự chân thành trong những bước đi của Bình Nhưỡng.

Mặc dù tuần tới hai bên mới thông qua nội dung cũng như lịch trình cụ thể cho các cuộc gặp, nhưng ngay lập tức động thái trên đã nhận được sự ủng hộ tích cực của dư luận thế giới. Với các bên liên quan trong tiến trình đàm phán sáu bên, đặc biệt là Mỹ, sự kiện này được nhìn nhận như một bước tiến trên bán đảo Triều Tiên sau hơn một năm chìm trong đối đầu căng thẳng.

Phản ứng mới nhất trước tiến triển mới đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh, các cuộc đàm phán quân sự liên Triều sắp tới là dấu hiệu "đáng hoan nghênh và tích cực". Cùng việc kêu gọi Triều Tiên tiếp tục có "các bước đi có ý nghĩa" để cải thiện quan hệ liên Triều, dự kiến trong hai ngày 26 và 27-1 tới, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg sẽ tới Hàn Quốc để thảo luận vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Hoan nghênh đề xuất trên của Triều Tiên, trong một tuyên bố ngày 21-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ hy vọng, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sẽ sớm được cải thiện thông qua đối thoại. Với Nhật Bản, dù có thái độ thận trọng hơn khi không ngừng dõi theo các tác động có thể của cuộc đàm phán trên với các nỗ lực giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa hy vọng, hai miền Triều Tiên sẽ có cuộc thảo luận thẳng thắn để có thể nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

2011 được kỳ vọng sẽ là năm mở ra cánh cửa đối thoại cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như hóa giải những bất đồng trong quan hệ liên Triều. Nhận định này ngày càng được củng cố thêm bằng chứng khi mới đây Hàn Quốc và Triều Tiên đã liên lạc với nhau trong khoảng 10 phút thông qua kênh liên lạc Hội Chữ thập đỏ ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Lần liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa hai miền kể từ sau vụ đấu pháo ở khu vực đảo Yeonpyeong (Hàn Quốc) tháng 11-2010 được xem là động thái tích cực trong bối cảnh Triều Tiên đã "chìa cành ô liu" khi mong muốn Seoul tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp để hóa giải bất đồng.

Với những gì đang diễn ra, dư luận thế giới có quyền hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa trong tương lai. Song vụ chìm tàu chiến Cheonan cũng như vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong năm ngoái vẫn được xem là một trở ngại khiến cuộc đàm phán quân sự cấp cao vừa được dự báo khó có thể đạt được kết quả như mong đợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng bước tiến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.