Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp dọa từ bỏ gói cứu trợ EU

H.V| 09/05/2012 15:00

(HNMO) - Nhà lãnh đạo đảng Syriza cánh tả của Hy Lạp cho biết, ông sẽ cố gắng thiết lập một liên minh dựa trên việc phá bỏ các điều khoản của thỏa thuận gói cứu trợ EU/IMF.


Ông Alexis Tsipras, người lãnh đạo đảng giành vị trí thứ hai trong cuộc bỏ phiếu hôm 6/5, cho biết, cử tri Hy Lạp "rõ ràng đã hủy bỏ thỏa thuận vay vốn".

Ông có 3 ngày để đạt được một thỏa thuận liên minh và đã nói với hai đảng lớn ngừng ủng hộ các điều khoản thắt lưng buộc bụng nếu họ muốn tham gia.

Ủy ban châu Âu và Đức cho rằng, các nước phải quyết liệt cắt giảm ngân sách.

Hôm qua, 8/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết: "Những gì các quốc gia thành viên phải làm là nhất quán, thực thi các chính sách mà họ đã đồng ý".

Tuy nhiên, sau khi các cử tri Pháp chọn ông Francois Hollande - người ủng hộ việc tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng - là tổng thống mới của nước này hôm 6/5, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhóm họp không chính thức vào ngày 23/5 tới để thảo luận về các đề xuất của ông.


Sự hỗn loạn tài chính đã gây ra bất ổn xã hội rất lớn ở Hy Lạp và đã dẫn đến sự mất niềm tin sâu sắc vào các đảng được coi là kiến trúc sư của các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Hôm 7/5, nhà lãnh đạo đảng trung hữu Dân chủ mới (ND), Antonis Samaras, đã từ bỏ nỗ lực thiết lập liên minh.

ND đã dẫn đầu trong các cuộc bầu cử, nhưng giống với đảng Pasok trung tả - một đảng nắm quyền truyền thống khác - đã phải chịu sự giảm sút đáng kể về số phiếu ủng hộ.

Hồi tháng 3, cả hai đảng đều ủng hộ các điều khoản của thỏa thuận thứ hai với EU/IMF, được Thủ tướng Lucas Papademos chấp thuận.

Để đổi lấy hai gói cứu trợ - có giá trị tổng cộng 240 tỷ euro - Hy Lạp đã đồng ý cắt giảm mạnh lương hưu và tiền lương, tăng thuế và cắt giảm hàng nghìn việc làm khu vực công.

Các lá phiếu của họ đã bị "rơi rớt" trong cuộc bầu cử hôm 6/5 vào các đảng nhỏ hơn thuộc cánh tả và cánh hữu, với việc đảng Syriza được gần 17% phiếu bầu. Nhưng vì ND dẫn đầu, đảng này đã được thêm 50 ghế trong quốc hội theo luật Hy Lạp và ban đầu đã được yêu cầu thành lập chính phủ.

24 giờ sau đó, chính ông Tsipras, người được trao nhiệm vụ thiết lập liên minh trong một cuộc họp với Tổng thống Karolos Papoulias, đã ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán với các đối tác tiềm năng.

Phương tiện truyền thông Hy Lạp cho biết, ông đã tranh thủ được sự ủng hộ của một đảng cánh tả nhỏ hơn, Dân chủ cánh tả, nhưng lại không thuyết phục được đảng cộng sản KKE ủng hộ ông. Ông dường như đã nói chuyện với tất cả các lãnh đạo đảng, ngoại trừ đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Golden Dawn.

Nếu nhà lãnh đạo đảng Syriza, 38 tuổi, hy vọng có được 151 ghế cần thiết để chiếm đa số trong quốc hội, rõ ràng là ông sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất một trong hai chính đảng.

Ông nói với các phóng viên rằng, "các đảng ủng hộ cứu trợ tài chính không còn chiếm đa số trong quốc hội để bỏ phiếu cho các biện pháp tiêu cực với người dân Hy Lạp" và kêu gọi họ viết thư cho EU và IMF để nói rằng họ rút lại lời hứa đồng hợp tác trước đó được đưa ra như là một điều kiện của các gói cứu trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp dọa từ bỏ gói cứu trợ EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.