(HNM) - Hôm nay (17-6), Hy Lạp bước vào cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 2 trong vòng 6 tuần. Kết quả cuộc bầu cử sẽ không chỉ có ý nghĩa quyết định với tương lai chính trị của đất nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công trên toàn châu lục.
Người dân Hy Lạp không mấy tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế đất nước sau bầu cử. |
Tâm điểm cuộc bỏ phiếu hôm nay là cuộc đua "song mã" giữa đảng Dân chủ mới ủng hộ gói cứu trợ của Liên minh Châu Âu (EU) cùng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và đảng Syriza phản đối gói giải cứu và chính sách "thắt lưng buộc bụng". Cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất do Trung tâm nghiên cứu Kapa thực hiện cho thấy đảng Dân chủ mới nhận được 26,1% số phiếu bầu, còn Syriza nhận được 23,6%. Đảng Xã hội, vốn làm chủ sân khấu chính trị Hy Lạp suốt 35 năm qua, chỉ đứng thứ 3 với vỏn vẹn 9,9% số phiếu bầu. Tuy nhiên, nhiều cuộc thăm dò khác lại cho kết quả ngược lại, Syriza dẫn đầu với 31%, đảng Dân chủ mới chỉ nhận được 25,5%.
Có điều, nếu kết quả cuộc bầu cử giống với thăm dò dư luận thì kịch bản chính trường Hy Lạp sẽ không khác với cuộc bầu cử lần trước là bao. Tức là, không có đảng phái nào đạt quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ theo Hiến pháp. Quá trình đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền nhiều khả năng sẽ lại thất bại vì sự khác biệt quá lớn giữa các chính đảng liên quan tới biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang khuynh đảo Cựu lục địa.
Thực tế cho thấy, phần lớn người dân Hy Lạp mong muốn nước này tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nhưng lại muốn "rũ bỏ" sự khó khăn mà chỉ có thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" thì Hy Lạp mới nhận được gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro. Nắm bắt tâm lý này của các cử tri, nhiều đảng phái, trong đó đứng đầu là Syriza đã giành được nhiều lá phiếu ủng hộ khi kiên quyết "nói không" với các điều kiện khắc khổ của EU và IMF và cũng không bắt tay với chính đảng nào ủng hộ chính sách này. Thế nhưng, bế tắc về chính trị sẽ đẩy Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nợ nếu không thể thông qua khoản cứu trợ vào cuối tháng này và dự đoán Athens rời khỏi Eurozone sẽ trở thành sự thật.
Do đó, mặc dù phương án ưu tiên vẫn là giữ Athens ở lại Eurozone, song ít nhất một nửa số chính phủ các nước thành viên Eurozone cùng các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Hy Lạp rời khỏi liên minh tiền tệ này. Ngay tại xứ sở các vị Thần, tâm lý hoảng loạn bắt đầu xuất hiện. Theo các ngân hàng Hy Lạp, mỗi ngày khoảng 800 triệu euro đã bị rút khỏi hệ thống tài khoản. Các hãng bán lẻ cho biết, người dân đang đua nhau mua mì ống và đồ hộp, đề phòng trường hợp thiếu lương thực - thực phẩm do lo ngại nước này phải quay trở về dùng đồng tiền bản xứ drachma. Nhưng, cho dù chuẩn bị thế nào đi nữa, kịch bản này xảy ra sẽ là một thảm họa không chỉ với kinh tế Hy Lạp mà còn kéo theo nguy cơ đổ vỡ của một liên minh tiền tệ vốn là niềm tự hào của một Châu Âu hiện đại đã tồn tại trong hơn một thập niên; đồng thời gây hiệu ứng domino ở hàng loạt quốc gia khác như vụ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ. Nếu điều này xảy ra sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như năm 2008. Khi đó, chi phí hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương có thể lên tới 1.000 tỷ euro. Bên cạnh đó, một khi tiền lệ một quốc gia rời bỏ Eurozone được thiết lập, sự ổn định và niềm tin vào phần còn lại của khối sẽ bị hạ thấp, thậm chí đi đến chỗ tan vỡ và gây những tác động thảm khốc với kinh tế toàn cầu.
Mới đây, các quan chức EU ngỏ ý, nếu chính phủ mới ở Hy Lạp chấp nhận các điều khoản chính trong chương trình cứu trợ quốc tế thì EU sẽ xem xét cho nước này thêm thời gian đáp ứng các mục tiêu ngân sách, nới lỏng tiến độ thực hiện các biện pháp chi tiêu khắc khổ. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng để "níu giữ" Hy Lạp ở lại Eurozone nhằm tránh một kịch bản xấu cho toàn khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.