Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyết mạch phải thông suốt

Thế Phương| 19/12/2011 07:34

(HNM) - Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, về lý thuyết là như vậy và điều đó có lẽ không phải bàn. Thế nhưng cái huyết mạch ấy có thông suốt hay không và phải làm gì để hệ thống ngân hàng thật sự là huyết mạch của nền kinh tế là cả vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý.


Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012 diễn ra ngày 17-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá hoạt động của Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại. Thủ tướng nhận định: "Thực hiện chính sách tiền tệ năm qua có nhiều điều cần rút kinh nghiệm, thực tế có những khó khăn nảy sinh do chính quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Quản lý nhà nước cũng có nhiều hạn chế yếu kém". Đồng thời, Thủ tướng khuyến cáo các ngân hàng không nên chạy theo lợi nhuận của riêng mình mà làm trái quy định, cần có trách nhiệm hơn với chính mình và với cả xã hội. Theo Thủ tướng, nợ xấu gia tăng và mất thanh khoản tạm thời chỉ là hiện tượng xảy ra ở một bộ phận không lớn, nhưng đã đe dọa tính ổn định của toàn hệ thống ngân hàng…

Có thể khẳng định, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhưng rõ ràng chưa giải quyết được những vấn đề "nóng" của hệ thống mà lách trần lãi suất huy động là một ví dụ. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà, từ tuần đầu tháng 12, hiện tượng lách trần lãi suất lại nở rộ. Mới đây, BIDV đã bị rút một khoản 600 tỷ đồng khi khách hàng "mặc cả" mức lãi suất 16,5% không được đồng ý, thế là khoản tiền đó đã bị rút đi đến gửi ở một ngân hàng khác. Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank Phạm Huy Hùng cũng đưa ra nhận định, trong những ngày qua, tình trạng lách trần lãi suất huy động vẫn xảy ra và đã lên đến 17%, nhưng khác với thời điểm trước, hoạt động này diễn ra rất kín đáo và tinh vi nên rất khó phát hiện.

Một số ngân hàng lách trần lãi suất 14% khiến nhiều ngân hàng làm ăn nghiêm chỉnh phải chịu thiệt thòi, nhưng đáng buồn hơn là tình trạng lách giới hạn tăng trưởng tín dụng bằng các nghiệp vụ ủy thác đầu tư, làm xiếc bản cân đối kế toán… vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí các ngân hàng còn "chặt chém lẫn nhau" khi cho nhau vay với lãi suất tới 40% một năm. Có một thực tế là vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại ở ta không nhiều nếu không muốn nói là nhỏ, nhưng pháp luật cho phép huy động số tiền lớn hơn rất nhiều cái gọi là "vốn tự có" ấy để phục vụ sản xuất, kinh doanh của toàn xã hội. Thế nhưng có ngân hàng cho vay nội bộ tới một phần tư, một phần ba thậm chí một nửa số vốn huy động từ người dân, hỏi còn đâu vốn cho xã hội. Kiểu "ăn quẩn cối xay" này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống.

Hoạt động kinh doanh nào cũng hướng đến lợi nhuận, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Không nên dùng các thủ thuật, lách quy định chạy theo lợi ích riêng, làm ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Các ngân hàng làm sai thì trước khổ cho chính ngân hàng mình, sau là tới nền kinh tế và người dân - Thủ tướng đã nói như vậy. Điều này rất đáng để các nhà quản lý hệ thống tiền tệ và lãnh đạo các ngân hàng suy nghĩ. Không thể vì lợi ích cục bộ, các ngân hàng phải có trách nhiệm với cộng đồng và điều đó cũng là bảo đảm lợi ích lâu dài của chính mình.

Nhà nước và người dân không thể gánh chịu những hệ lụy mà các ngân hàng thương mại gây ra cho toàn xã hội. Do vậy đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại là yêu cầu, cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. Huyết mạch thông suốt thì nền kinh tế mới phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyết mạch phải thông suốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.