(HNM)- Ở huyện Từ Liêm, Hà Nội, trên những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ trước đây nay mọc lên ngày càng nhiều nhà máy, khu đô thị, cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp không chú ý bảo vệ môi trường và hệ thống thủy lợi khiến kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, nước thải gây nên tình trạng ô nhiễm khiến diện tích đất canh tác phải bỏ hoang ở đây ngày càng tăng.
Kênh, mương thủy lợi bị phá vỡ
Tại huyện Từ Liêm nhiều khu đất xen kẹt giữa các Khu đô thị cứng khô, khó canh tác.Xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm là địa phương có mật độ các khu đô thị dày đặc. Tuy nhiên, phía sau các tòa cao ốc là diện tích lớn đất trồng lúa bị bỏ hoang. Một người dân địa phương cho biết: Trước đây, khu đồng này thuộc loại màu mỡ nhất xã. Nhưng từ khi đô thị mọc lên, nhiều ruộng lúa gần đó không thể canh tác được. Men theo con mương đất đến cánh đồng ven đường Cầu Đôi, thôn Phú Đô, chúng tôi chứng kiến cảnh nước thải đen sì, hôi thối được đổ thẳng ra ruộng lúa. Khoảng 1ha đất đã bị bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người, đi tới đâu chuột chạy loạn xạ đến đó.
Ông Đào Tăng Quýnh, Chủ tịch UBND xã Mễ Trì khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp khi xây dựng cao ốc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra kênh mương tưới tiêu, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Toàn xã còn 150ha đất nông nghiệp thì có tới quá nửa bỏ hoang, số còn lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy vẫn cấy được nhưng năng suất giảm nhiều.
Ông Công Phương Kình, Phó phòng Kinh tế huyện Từ Liêm cho biết: Huyện nằm trong vùng đô thị nên hiện tại hầu hết hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn đều bị phá vỡ. TP đã yêu cầu huyện quy hoạch lại hệ thống thủy lợi nhưng trên địa bàn có quá nhiều dự án, không thể quy hoạch lại được. Hiện nay, cả huyện có hơn 200ha đất nông nghiệp ở các xã Tây Mỗ, Đại Mỗ, Xuân Đỉnh, Mễ Trì… bị bỏ hoang không thể canh tác được do gặp khó khăn về thủy lợi. Một nửa trong số đó là đất xen kẹp giữa các khu đô thị, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, không có kênh mương phục vụ tưới tiêu. Việc khắc phục những diện tích đất bỏ hoang do ô nhiễm, không chủ động được tưới tiêu nước là rất khó. Chẳng hạn như 26ha đất ở thôn Phú Đô (xã Mễ Trì) đến mùa cấy là thiếu nước, toàn bộ diện tích ở đây không có kênh mương, mặc dù gần sông Nhuệ nhưng không có kênh dẫn nước tưới. Do đó, nông dân không thể cấy lúa, huyện cũng khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác nhưng người dân khó triển khai vì không có quy hoạch, năng suất thấp. Ngay cạnh trụ sở UBND xã Mễ Trì vẫn còn 2 khoảng đất trống khá lớn, bỏ hoang rất nhiều năm nay vì không có nước nên nông dân không cấy được. Năm 2009, có quyết định khu đất này dành cho xây dựng công trình làm việc của Bộ Ngoại giao, nhưng hiện vẫn bỏ hoang, một số hộ dân ở huyện khác đến xin để trồng cây nấm tạm thời, nhưng huyện không đồng ý vì đất đã có dự án.
Dân chán ruộng,giữ đất chờ dự ánÔng Công Phương Kình cho biết thêm: Ngoài hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, tâm lý của nông dân các xã ven đô chán ruộng, tình trạng trên cũng là điều dễ hiểu khi mà ruộng không thể nuôi sống người dân nữa. Hiện nay, thu nhập từ nông nghiệp quá thấp, nếu như cấy lúa chỉ đạt 2 tạ/sào đối với những ruộng tốt, trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận thu được quá thấp so với thu nhập của nông dân ven đô nên dân không thiết tha với đồng ruộng. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, năng suất, hiệu quả thấp. Đã vào chính vụ cày cấy mà ruộng vẫn nằm chờ dân mỏi mắt. Vụ xuân 2010, nhiều khu ruộng của các xã như Mỹ Đình, Đại Mỗ… lúa đã chín mà người dân vẫn không muốn gặt.
Khảo sát một số xã trên địa bàn huyện cho thấy nông dân đều ngả sang làm dịch vụ thương mại do kiếm được nhiều tiền hơn. Đáng lo ngại hơn là nông dân có tâm lý chờ Nhà nước thu hồi, mong có dự án để hưởng đền bù cao nên cố giữ đất mặc dù đất để hoang phí.
Tiến sỹ Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, đất nông nghiệp của Hà Nội đang giảm dần để dành cho công nghiệp và đô thị là một thực tế trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, thành phố cần phải duy trì và ổn định quỹ đất nông nghiệp ven đô nhằm bảo đảm mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch, tươi sống phục vụ cho thành phố cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững. Các huyện ven đô cần quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang trồng rau, hoa, cây cảnh kết hợp với nhà vườn tạo vành đai xanh cho đô thị. Trên cơ sở rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, có sự đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng đất nông nghiệp còn lại.