(HNM) - Hôm nay, ngày 28-7, Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ huyện Thường Tín nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đây là một dấu mốc quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đất “danh hương”, “đất trăm nghề” nhìn lại chặng đường vừa qua, xác định những mục tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, tạo sức bật để vươn lên tầm cao mới, trở thành địa phương giàu mạnh, hiện đại.
Những thành tựu quan trọng
Với những thành quả và kinh nghiệm quý báu sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, ngày 29-5-2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thường Tín đã tạo ra thế và lực mới trên con đường phát triển.
Đánh giá chung về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, 5 năm qua, các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ huyện đề ra cơ bản đều đạt và vượt. Đến năm 2020, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 57,33% (năm 2015 chiếm 54,5%). Tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 đạt 74.011 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Hiện, Thường Tín đã có 11 cụm công nghiệp được
đưa vào hoạt động với hơn 1.000 doanh nghiệp...
Lĩnh vực nông nghiệp cũng có sự phát triển đáng ghi nhận với 16 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến và giết mổ lợn, gia cầm. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 145 triệu đồng/ha (chỉ tiêu Đại hội XXIII là 140 triệu đồng/ha trở lên).
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai phù hợp với thế mạnh đặc thù của từng địa phương. Đến cuối năm 2019, 28/28 xã của Thường Tín đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 1 xã nông thôn mới nâng cao. Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới, Thường Tín đã đạt 9/9 tiêu chí và đang trình các cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2020. Hiện thu nhập bình quân của huyện đạt 54 triệu đồng/ người/năm, vượt 1,5 lần so với mục tiêu Đại hội XXIII đề ra.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phùng Văn Quốc: Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo quyết liệt với khâu đột phá là công tác cán bộ. Với phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, năm 2019, 100% tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20,4% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Đảng bộ huyện luôn được đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Rạng danh "đất trăm nghề"
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết: Đảng bộ huyện xác định, thời gian tới, Thường Tín sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát huy tiềm năng, lợi thế của "đất trăm nghề". Mặt khác, huyện chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế...
Cùng với việc tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển hạ tầng, Thường Tín sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá để huy động tổng hợp các điều kiện, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 5% trở lên/năm so với chỉ tiêu thành phố giao, phấn đấu đạt và duy trì ở mức từ 1.000 tỷ đồng trở lên/năm.
Đặc biệt, phát huy thế mạnh của “đất danh hương”, “đất trăm nghề”, Thường Tín sẽ hướng đến xây dựng đô thị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế; lấy đô thị làng nghề làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Với lĩnh vực nông nghiệp, Thường Tín sẽ quy hoạch vùng sản xuất để phát huy lợi thế của từng địa phương; nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết… hướng tới xây dựng các vùng nông nghiệp sinh thái du lịch.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thường Tín phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng xã Hồng Vân theo hướng phát triển toàn diện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu (nông thôn mới Tràng An).
Để trở thành một quận của Thủ đô trong tương lai, Thường Tín đặc biệt chú trọng điều chỉnh các đồ án quy hoạch gắn với quy hoạch liên huyện và đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Đồng thời ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông: Phối hợp thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1A cũ, phát triển hệ thống giao thông gắn với đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên, các tuyến đường trục Đông - Tây của huyện… Cùng với đó là đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị.
Phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, Thường Tín đặc biệt chú trọng phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế. Trong đó nâng cao đời sống người dân, xây dựng văn hóa người Thường Tín - “đất danh hương” là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín xác định, trong nhiệm kỳ mới, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế của huyện để phát triển kinh tế, bảo đảm tỷ trọng cơ cấu theo định hướng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, huyện tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, tạo sức mạnh tổng hợp từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những mục tiêu Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện Thường Tín nhiệm kỳ 2020-2025
Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí Quận của Thủ đô Hà Nội.
Những chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ 2020-2025:
- Tốc độ tăng bình quân trên từng lĩnh vực: Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 16,5%/năm; dịch vụ - thương mại 17%/năm; sản xuất nông nghiệp 2,8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58%; dịch vụ - thương mại 39%; nông nghiệp 3%.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (theo phân cấp) tăng bình quân 5% trở lên/năm so với chỉ tiêu thành phố giao. Phấn đấu đạt và duy trì thu ngân sách nhà nước ở mức từ 1.000 tỷ đồng trở lên/năm. Chi đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm bình quân đạt 26% tổng chi ngân sách địa phương.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/năm.
- Phấn đấu phát triển diện tích đất đô thị hóa đạt 33,5% so với tổng diện tích đất đô thị được quy hoạch.
- Thực hiện kêu gọi đầu tư, phấn đấu đưa các cụm công nghiệp đã được quy hoạch vào hoạt động đạt 100% và kêu gọi đầu tư 1 khu công nghiệp theo quy hoạch.
- Phấn đấu đến hết năm 2025 có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng xã Hồng Vân theo hướng phát triển toàn diện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu (nông thôn mới Tràng An).
- Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 90% trở lên. Số thôn, cụm dân cư được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” đạt 90%. Số tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” đạt 100%.
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 100%; phấn đấu tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2: 32%.
- Hằng năm tạo việc làm mới cho 3.500 lao động; tỷ lệ lao động được tạo việc làm mới hằng năm qua đào tạo 80% trở lên.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện dưới 1%.
- 18 giường bệnh/vạn dân; 8 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm 1,25%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: Thể nhẹ cân 9%, thể thấp còi 13,9%.
- Tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch 100%; tỷ lệ rác thải, chất thải được thu gom vận chuyển trong ngày 100%.
- Số lượng đảng viên được kết nạp phấn đấu hằng năm đạt 3% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm đạt 20%. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 80%, trong đó, 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.