(HNM) - Năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, nhưng huyện Thanh Trì đã chủ động khắc phục, huy động mọi nguồn lực, tập trung cho xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã và đang hình thành, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Đẩy mạnh quy hoạch và phát triển kinh tế
Xác định công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho tiến trình xây dựng NTM, ngay từ đầu năm 2012, huyện Thanh Trì đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, đã có 12/15 xã hoàn thành quy hoạch, còn lại 3 xã vùng bãi Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc đã lập xong đồ án. Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, ngoài vấn đề quy hoạch, huyện chú trọng tới xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế - xã hội. Các thôn, xã tổ chức nhiều cuộc họp để nhân dân thảo luận dân chủ, công khai, tập trung nguồn lực xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, nước sạch, nhà văn hóa… Ngoài nguồn vốn ngân sách của TP và huyện, các xã đã vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở đường. Đến nay, Thanh Trì đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét đất mở đường, đóng góp gần 39 tỷ đồng. Điển hình là các xã Ngũ Hiệp, Vạn Phúc, Liên Ninh. 400 hộ dân xóm Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai đóng góp 900 triệu đồng để nâng cấp đường ngõ… Trong số 59 công trình đang triển khai trên địa bàn, Thanh Trì đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5 công trình, đang triển khai 16 công trình, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 38 công trình.
Để nâng cao thu nhập cho nông dân, Thanh Trì đã hỗ trợ khuyến khích nhân dân đưa giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa cơ giới hóa vào 24ha sản xuất lúa tại thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng; áp dụng mô hình trồng rau an toàn tại hai xã Yên Mỹ, Duyên Hà với diện tích 56ha; triển khai mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã Tả Thanh Oai, Vạn Phúc... Nhìn chung các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Nhờ vậy, số xã có nhiều tiêu chí NTM đạt chuẩn tăng nhanh. Tính đến hết ngày 2-8, Thanh Trì đã có 5 xã đạt từ 14 đến 16 tiêu chí, tăng 2 xã so với năm 2011; 8 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, tăng 2 xã; đạt dưới 10 tiêu chí chỉ còn 2 xã.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Chu Nguyên Thành, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như việc huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất và đất xen kẹt phục vụ xây dựng NTM còn chậm. Công tác vận động dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn gian nan do tâm lý nông dân muốn giữ đất chờ dự án. Một số địa phương còn thiếu quyết liệt, lúng túng trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số xã còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Để khắc phục, trong thời gian tới Thanh Trì tập trung làm quy hoạch, phấn đấu đến quý III-2012 sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM ở 3 xã vùng bãi; cơ bản hoàn thành xây dựng NTM tại 2 xã Đại Áng và Đông Mỹ, đồng thời tập trung xây dựng để 4 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; 7 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng NTM, Thanh Trì sẽ phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM trên toàn huyện; đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa tại 2 xã điểm Yên Mỹ, Đại Áng và các xã trọng điểm Duyên Hà, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; đẩy nhanh việc đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng NTM…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.