(HNM) - Không thể phủ nhận đóng góp của những cơ sở mầm non ngoài công lập trong việc giảm tải tình trạng quá tải tại các trường công lập, đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở mầm non NCL được cấp phép, hoạt động hiệu quả thì còn nhiều cơ sở chưa được cấp phép hoặc cơ sở vật chất chưa đáp ứng theo quy định… vẫn ngang nhiên hoạt động gây khó khăn cho công tác quản lý.
Chỉ có 12/64 cơ sở mầm non ở huyện Thạch Thất đủ điều kiện hoạt động. (Ảnh: Cơ sở Mầm non tư thục Âu Cơ, xã Tiến Xuân, đã được cấp phép). |
Nhiều cơ sở mầm non "3 không"
Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề sản xuất đồ mộc, sắt thép… phát triển, do vậy nhu cầu gửi con để làm nghề rất cao, trong đó nhiều trẻ mới chỉ 5-7 tháng tuổi. Đáp ứng nhu cầu đó, những năm qua rất nhiều cơ sở mầm non NCL, trong đó chủ yếu là nhóm trẻ, lớp trẻ quy mô nhỏ (có lớp chỉ 7-10 cháu) được hình thành tự phát, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Theo quy định, một cơ sở mầm non NCL phải có quyết định thành lập và được cấp phép hoạt động, những cơ sở không đáp ứng hai điều kiện trên sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, thực tế tại huyện Thạch Thất, rất nhiều cơ sở không có cả hai điều kiện nêu trên nhưng vẫn hoạt động, trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở mầm non NCL vi phạm chưa được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên.
Theo Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất, năm học 2013-2014, toàn huyện có 64 cơ sở mầm non NCL. Qua đợt kiểm tra cuối năm 2013 vừa qua, chỉ có 12 cơ sở đủ điều kiện hoạt động (gồm 2 trường và 10 nhóm, lớp); 51 cơ sở không đủ điều kiện đã bị đình chỉ hoạt động và 1 cơ sở NCL đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép. Tìm hiểu được biết, lỗi chủ yếu của cơ sở mầm non NCL trước khi bị đình chỉ hoạt động ở huyện Thạch Thất là chưa được cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động nhưng đã nhận trông giữ trẻ. Ngoài ra, các cơ sở còn mắc một số lỗi như cơ sở vật chất còn hạn chế, phòng học, bếp ăn, nhà vệ sinh còn sử dụng chung với gia đình; đồ dùng, đồ chơi còn thiếu, chưa đáp ứng việc dạy và học của trẻ; chủ cơ sở mầm non NCL và người trông giữ trẻ hầu hết không có trình độ chuyên môn; thậm chí chưa học lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Do vậy, các cơ sở mầm non "3 không" (không phép, không đủ điều kiện cơ sở vật chất, không có trình độ chuyên môn) hoạt động chủ yếu mang tính chất trông giữ trẻ, ít dạy dỗ theo chương trình giáo dục mầm non.
Cán bộ thiếu, chế tài yếu?
Trả lời câu hỏi vì sao trên địa bàn có quá nhiều cơ sở mầm non NCL hoạt động không phép hoặc không đủ điều kiện vẫn hoạt động như vậy? Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất cho biết, nguyên nhân chính là các cơ sở mầm non NCL nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhiều nhóm, lớp có số trẻ quá ít, hoạt động "chui", không treo biển quảng cáo… gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện vi phạm. Và phải đến khi kiểm tra đồng loạt trên địa bàn thì mới phát hiện ra vi phạm. Cũng theo ông Mạnh, Thạch Thất là huyện rộng, số lượng cơ sở mầm non NCL đông, song phòng chỉ có 3 cán bộ phụ trách mầm non; trình độ chuyên môn của cán bộ xã, thị trấn phụ trách lĩnh vực này hạn chế; một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc kiểm tra, xử lý các cơ sở mầm non NCL hoạt động trái phép hoặc cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu dạy và học. Một số cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động nay cố tình hoạt động "lén lút" trở lại, khiến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Nguyên nhân nữa là đến nay, UBND thành phố chưa ban hành văn bản cụ thể nào liên quan đến việc xử lý đối với các cơ sở mầm non NCL chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn trông giữ trẻ, nên việc xử lý các cơ sở vi phạm trên địa bàn huyện hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở hoặc đình chỉ hoạt động.
Nhằm khắc phục tình trạng có quá nhiều cơ sở mầm non NCL hoạt động trái quy định, chưa bảo đảm điều kiện theo quy định tại điều lệ trường mầm non, cuối năm 2013, Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý cơ sở mầm non NCL trên địa bàn. Theo đó, giải pháp quan trọng nhằm siết chặt hoạt động của các cơ sở này là tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở mầm non đã được cấp phép hoạt động; chỉ đạo các cơ sở bị đình chỉ do cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu dạy và học của trẻ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra các điều kiện của nhóm, lớp mầm non NCL để UBND các xã, thị trấn cấp phép thành lập đối với nhóm, lớp đủ điều kiện theo tiêu chuẩn quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.