Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Sóc Sơn: Quyết tâm xóa đói, giảm nghèo

Hữu Hoài| 25/10/2010 05:56

(HNM) - Là huyện có diện tích đất tự nhiên (30.000ha) lớn thứ nhì toàn thành phố, nhưng Sóc Sơn còn tới 7 xã có đông hộ nghèo. Việc giúp người dân vơi bớt nỗi khó khăn, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống được các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tích cực, bước đầu đạt được kết quả đáng mừng. Không chỉ có vậy, bằng sự nỗ lực, tự tin vươn lên, Sóc Sơn đang quyết tâm làm thay đổi đời sống trên chính mảnh đất quê hương mình.


Nông dân huyện Sóc Sơn thu hoạch lúa. Ảnh: Linh Tâm


Con đường dẫn chúng tôi đến xã Tân Hưng, một trong 7 xã có đông hộ nghèo ở huyện Sóc Sơn không còn mấp mô, lầy lội như những năm về trước. Hơn 10km đường giao thông huyết mạch bám dọc theo triền đê hữu Ngạn sông Cầu nối Tân Hưng với trung tâm huyện đã được bê tông hóa mở ra cơ hội giao lưu phát triển kinh tế. Từ một xã thuần nông với dân số 10.735 nhân khẩu/2.365 hộ, người dân chỉ quen cày cấy, giờ vươn lên làm quen với kinh tế thị trường. Hoạt động thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở Tân Hưng phát triển nhanh, đóng góp tới 53% tổng sản phẩm xã hội của xã. Nét nổi bật trong phát triển kinh tế ở Tân Hưng là bước tiến trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với ứng dụng các tiến bộ khoa học như: thâm canh đậu tương đông trên nền đất ướt, gieo xạ lúa thẳng hàng bằng công cụ dàn kéo tay và đưa các giống mới vào sản xuất nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác, Tân Hưng tập trung triển khai đến các thôn có điều kiện dồn điền đổi thửa, vừa tiện canh tác và thâm canh tăng vụ, đồng thời quy hoạch lại các vùng kết hợp nuôi trồng tổng hợp. Đến nay, toàn xã đã bố trí mặt bằng được 34 mô hình phát triển trang trại tổng hợp, quy mô hàng chục hécta. Có những mô hình như trang trại 6ha của gia đình anh Đỗ Văn Tân, thôn Ngô Đạo kết hợp trồng cây công nghiệp, rau, thả cá, nuôi gà, lợn mỗi năm trừ chi phí thu lãi 300-500 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi về những đổi thay ở 7 xã nghèo nói riêng và tình hình phát triển kinh tế Sóc Sơn nói chung, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn - Nguyễn Văn Phong cho biết, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 61/KH-UB của UBND thành phố, Sóc Sơn xác định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sạch, tạo việc làm cho nhiều lao động; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ, du lịch sinh thái; nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân... là những ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền Sóc Sơn. Qua câu chuyện cho thấy, những kết quả mà Sóc Sơn đạt được thời gian qua đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm đạt mức 12,37%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp chiếm 54,2%, dịch vụ 27,4%, nông nghiệp 18,4%); tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng 10%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 10% (theo tiêu chí mới); thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2005.

Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, nhờ việc đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, cơ cấu nội ngành không còn độc canh cây lúa, nhiều mô hình sản xuất tập trung như: 200ha trồng rau an toàn, rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân và Đông Xuân, 820ha cây công nghiệp ngắn ngày (cây chè và hoa nhài) tại các xã Bắc Sơn, Đông Xuân, Phù Lỗ, 1.034ha cây ăn quả tại xã Đông Xuân, Phù Lỗ và 750ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở các xã vùng trũng đã đem lại hiệu quả cao gấp 5-30 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, với một huyện có đông hộ nghèo như Sóc Sơn cũng còn nhiều khó khăn bởi hạ tầng kỹ thuật còn thấp so với nhu cầu phát triển; năng lực cán bộ chưa đồng đều; xuất phát điểm về kinh tế thấp hơn so với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; đất đai bạc màu, không bằng phẳng, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp. Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong, Đảng bộ huyện đã lựa chọn các khâu đột phá: Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn; ưu tiên hàng đầu quy hoạch các vùng sản xuất, tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa, trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ đưa thêm giống cây trồng vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây chắc chắn là những bàn đạp để Sóc Sơn xóa đói, giảm nghèo, khẳng định vị thế trong sự phát triển chung của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn: Quyết tâm xóa đói, giảm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.