(HNM) - Sóc Sơn (Hà Nội) vốn được coi là mảnh đất khô cằn, sỏi đá, sản xuất khó khăn. Thế nhưng, nếu biết khai thác và lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đặc biệt là tập trung phát triển kinh tế trang trại, có thể tạo ra bước đột phá, xây dựng vùng hàng hóa giá trị cao.
Nông nghiệp giá trị cao
Phần lớn diện tích chè ở Sóc Sơn đã chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang trồng chè an toàn.
Sóc Sơn có tổng diện tích tự nhiên 30.651ha, trong đó đất nông nghiệp 13.000ha (chiếm trên 40%). Một số xã như Mai Đình, Quang Tiến, Phù Linh đã dành nhiều đất cho dự án, còn lại các xã vẫn giữ được những thửa ruộng "bờ xôi ruộng mật". Sóc Sơn hiện có trên 60.000 hộ với 270.000 nhân khẩu, nông dân chiếm 95,15%. Nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác bằng cách xây dựng các mô hình thâm canh hiệu quả được coi là khâu đột phá ở nhiều xã thời gian qua. Từng bước đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản phẩm hàng hóa giá trị cao gắn với nông nghiệp đô thị sinh thái là điểm nhấn trong nông nghiệp Sóc Sơn.
Điển hình, tại xã Bắc Phú, phong trào nuôi ếch giống, ếch thương phẩm ngày càng lan rộng. Người đưa nghề này về Bắc Phú là ông Lê Hồng Sơn. Ông cũng là người đầu tiên đưa ếch Thái Lan ra đất Bắc. Nhờ sự sáng tạo, ý chí quyết tâm cao cùng với sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, ông đã sản xuất thành công hàng trăm vạn ếch giống, hàng chục tấn ếch thương phẩm, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Sau hơn 4 năm phát triển mô hình này, ông đã mua được ô tô, xây nhà cao tầng. Không ít người trong xã đã tìm đến học cách nuôi ếch và cũng đã thành công. Tại xã Tiên Dược, anh Ngô Xuân Thủy là người tiên phong đưa mít Thái Changai ra đất Bắc. Anh có 1ha mít, cây nào cũng trĩu quả. Sau 4 năm trồng thử nghiệm, anh Thủy cho biết, giống mít này cho quả ở năm thứ hai, múi dày, vàng, thơm, ngọt dịu. Hiện anh đã cung cấp giống cho nông dân ở hơn 10 tỉnh và đang ấp ủ ý tưởng xây dựng nhà máy sấy mít xuất khẩu trong tương lai.
Nói đến hoa, nhiều người nghĩ đến vựa hoa Mê Linh, Từ Liêm, song Sóc Sơn đã có hơn 160ha diện tích trồng hoa nhài và các loại hoa khác. Mục tiêu của huyện là tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa cao cấp, cây cảnh thêm trên 100ha ở các xã Xuân Giang, Nội Bài... nơi sản xuất 2 vụ lúa cho năng suất kém và một phần đất lưu không (không dùng để phát triển CN, dịch vụ...) khu vực ngoài sân bay Nội Bài. Năm 2010, huyện Sóc Sơn đã chuyển đổi 750ha diện tích các vùng trũng, cao hạn sản xuất lúa năng suất thấp sang các cây trồng, vật nuôi cho giá trị thu nhập cao. Huyện quy hoạch hơn 20ha sản xuất rau hữu cơ ở các xã Thanh Xuân, Đông Xuân; 10ha trồng hoa ly, hướng dương, cúc, hoa hồng ở xã Xuân Giang; còn lại là mô hình trang trại VAC tổng hợp theo vùng gồm chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính và các loại con đặc sản như ba ba, ếch, rắn... ở các xã Phú Cường, Bắc Sơn, Nam Sơn, Tân Hưng, Việt Long, Quyết Tiến... Thực tế, các mô hình trồng hoa cao cấp đạt giá trị thu nhập 100 triệu đồng/sào/năm; các trang trại tổng hợp đạt giá trị thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm.
Đồng bộ các giải pháp
Tuy nhiên, trong 104 trang trại đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí mới, với tổng diện tích sử dụng 600ha, bình quân mỗi trang trại sử dụng 5,09ha, thuộc 26 xã và thị trấn nhưng giá trị sản phẩm hàng hóa và mức thu nhập bình quân/1ha canh tác chưa cao. Hầu hết các chủ trang trại đều chọn hướng phát triển theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài" hoặc theo kinh nghiệm "quảng canh", chưa phát huy hết tiềm năng. Mặt khác, khó khăn trong sản xuất hoa cao cấp, cây ăn quả giá trị cao là vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian chờ thu hoạch dài ngày hơn trồng lúa nên nhiều hộ nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư trang thiết bị, vật tư cho một sào hoa cao cấp từ 150-200 triệu đồng, không phải người nông dân nào cũng có vốn…
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của huyện là thực hiện quy hoạch cơ bản và đồng bộ về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lấy xây dựng NTM làm khâu đột phá. Để nâng cao giá trị nông nghiệp, Sóc Sơn tập trung các giải pháp đồng bộ trong đó đột phá khâu dồn điền, đổi thửa; tổ chức lại và đầu tư theo quy hoạch các hệ thống: thủy lợi, giao thông nội đồng, phát triển mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn, các dự án chăn nuôi tập trung, các vùng nuôi trồng thủy sản; tăng cường kinh phí cho công tác tập huấn và chuyển giao KHKT, giống mới cho người nông dân nhằm làm chuyển biến về tư duy sản xuất theo hướng mô hình sinh thái hàng hóa.
Phát huy lợi thế "3 vùng" (đồi gò, đất trũng và đất giữa) Sóc Sơn tập trung sản xuất chuyên canh, phát triển các mô hình kinh tế trang trại lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tại vùng đồi gò, thâm canh lúa và thủy sản ở vùng đất trũng ven sông, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa tại các vùng đất giữa phía nam và trung tâm huyện; xây dựng một số thương hiệu sản phẩm gắn với lợi thế của từng xã như chè, rau sạch, bò thịt, lợn nạc, gà đồi; quy hoạch và kêu gọi đầu tư các điểm thu mua, cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.