(HNM) - Huyện Sóc Sơn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và thực tế đã có những bước tiến bộ vượt bậc trên nhiều mặt trong vòng 5-6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện đang có 4
Có hơn 70% số dân sống bằng nghề nông nhưng ngành nông nghiệp Sóc Sơn vẫn còn nhiều hạn chế khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Kiên
Nằm sát sông Cầu, bên kia là tỉnh Bắc Giang, xã Tân Hưng chỉ cách QL 3 chừng 1km. Nhưng nhiều khu vực trong xã, con đường dẫn ra QL3 lại rất gập ghềnh. Dù vài năm nay, việc đầu tư đường giao thông nông thôn đã được quan tâm, nhưng phổ biến ở địa phương vẫn là những con đường đất đi lại khó khăn. Không chỉ Tân Hưng, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng có hoàn cảnh tương tự. Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong, đây là một trong những "điểm nghẽn" trên con đường phát triển của huyện. Hạ tầng yếu kém, nhất là giao thông khiến việc thu hút đầu tư, tăng cường giao lưu kinh tế trong huyện và giữa huyện với nơi khác gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, một số dự án làm đường giao thông đã được triển khai, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ đòi hỏi của thực tế.
Ba "điểm nghẽn" còn lại của Sóc Sơn là nguồn nhân lực qua đào tạo quá thấp, chỉ chiếm 17%; cơ cấu kinh tế lạc hậu và thiếu quy hoạch. Thật khó tin Sóc Sơn là một phần của Thủ đô, nhưng nhiều khu vực, cuộc sống người dân vẫn còn rất lạc hậu. Có những thôn, xã, việc đầu tư cho con đi học đối với nhiều hộ gia đình vẫn chưa thực sự được quan tâm, ngay cả khi kinh tế cho phép. Điều đáng lo ngại là với hơn 70% số dân của huyện sống bằng nghề nông, nhưng ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện lại có nhiều hạn chế.
Tám tháng đầu năm nay, nông nghiệp Sóc Sơn tăng 5,2%. Đây là một kỷ lục vì trong nhiều năm qua, tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện chỉ đạt khoảng 2,5%/năm. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm; người dân vẫn vất vả xoay xở trên đồng đất bạc màu. "70% dân sống nhờ nông nghiệp, nhưng kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Sản xuất nông nghiệp rất manh mún, cách thức canh tác lạc hậu, năng suất thấp. Ruộng đất thì xé lẻ, cá biệt có những hộ dân sở hữu trên 40 mảnh ruộng" - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phong chia sẻ. Hiện nay, Sóc Sơn đang chuẩn bị thực hiện dồn điền đổi thửa, nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, liệu đây có phải là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hay không; khi mà việc áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp không dễ có bước đột phá ở huyện.
Về "điểm nghẽn" thiếu quy hoạch, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, vì yếu tố này nên việc kêu gọi đầu tư của huyện rất khó khăn. Không có quy hoạch, nhiều nhà đầu tư rất sẵn lòng, nhưng cũng không dám mạo hiểm. Sóc Sơn mong muốn được đẩy nhanh quy hoạch các khu vực trọng tâm, trọng điểm để thu hút đầu tư. Như khu vực hồ Đồng Quan, có đặc điểm rất thuận lợi để đầu tư phát triển du lịch, nhưng chưa có quy hoạch, huyện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ cảnh quan ở đây.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phong nhận định: "Sóc Sơn đang đứng trước nguy cơ giậm chân tại chỗ, sau khi đã đạt được nhiều thành quả tích cực nhờ Nghị quyết 16 (ngày 21-5-2004) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Điều đáng quan tâm là làm cách nào để Sóc Sơn có thể vượt qua bốn "điểm nghẽn" này để tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Rất khó để lại có thêm một nghị quyết riêng cho Sóc Sơn theo kiểu Nghị quyết 16. Song, để có thể vượt qua các "điểm nghẽn" và phát triển KTXH, Sóc Sơn cần có những hỗ trợ về cơ chế, chính sách và nguồn lực mang tính tập trung và thường xuyên hơn từ các sở, ngành của TP. Đôi khi sự tập trung đó chỉ là sự hướng dẫn kịp thời, đẩy nhanh thủ tục…
Thực tế, bốn "điểm nghẽn" (hoặc nhiều hơn) mà Sóc Sơn đang phải khắc phục cũng là những vấn đề của nhiều quận, huyện, thị khác tại Hà Nội. Nên sự quan tâm giúp Sóc Sơn tháo gỡ các "điểm nghẽn" cũng chính là tìm lời giải cho một vấn đề chung của TP xóa bỏ những "điểm nghẽn" chung trên con đường phát triển KTXH của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.