(HNMO) - Sáng 27-11, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thọ đã đối thoại với nhân dân tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên liên quan đến việc triển khai Dự án Trạm biến áp 110kV.
Dự án Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên và đường dây cấp điện cho trạm đã được UBND Thành phố chấp thuận xây dựng tại văn bản số 4750/VP-CT ngày 22/11/2012. Vị trí xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên được xác định tại ô đất có chức năng là đất cây xanh nằm phía Tây Bắc nút giao đường cao tốc Tây Bắc và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thuộc tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên. Dự án có tổng mức đầu tư 279,3 tỷ đồng, do Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội làm chủ đầu tư, với quy mô 2 MBA có tổng công suất 2x63MVA-110/35/22KV ở giai đoạn một sẽ lắp đặt 01 máy biến áp có công suất 63MVA.
Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên được xây dựng với tổng diện tích 3.500m2, có 7 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn của pháp luật hiện hành, các hộ dân đã nhất trí phương án bồi thường từ phía chủ đầu tư; Phần đường dây cấp cho trạm biến áp với tổng diện tích GPMB 10.292m2, có 130 hộ trong diện giải phóng mặt bằng cũng đã nhất trí phương án bồi thường từ phía chủ đầu tư. Tuy nhiên, có 12 hộ dân thuộc tiểu khu Mỹ Lâm – thị trấn Phú Xuyên không có trong danh sách bồi thường GPMB của dự án xây dựng trạm, đã có đơn kiến nghị về việc xây dựng trạm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân gửi UBND thị trấn và huyện Phú Xuyên. Tháng 6-2016, huyện Phú Xuyên cùng chủ đầu tư (Ban QLDA lưới điện Hà Nội) đã có buổi làm việc với đại diện của tiểu khu Mỹ Lâm để giải thích và làm rõ các cơ sở pháp lý của dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, tuy nhiên, vẫn chưa đi đến sự nhất trí và đồng thuận từ phía người dân.
Buổi đối thoại đã thu hút hàng trăm người dân tiểu khu Mỹ Lâm. Đa số các ý kiến của người dân trong thôn đề nghị làm rõ dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2012 nhưng người dân chưa được tham gia bất kể một cuộc họp nào thông báo về dự án và xin ý kiến nhân dân. Bà con đặt câu hỏi: Dự án này có khảo sát trước khi thành phố phê duyệt không? Các bước triển khai có cần phải lấy ý kiến nhân dân không? Và, nhân dân tiểu khu Mỹ Lâm nhất trí việc xây dựng trạm biến áp, tuy nhiên đề nghị huyện xem xét lại địa điểm đặt trạm biến áp bởi vị trí hiện tại gần với khu dân cư đặc biệt là trường mầm non ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân, an toàn cháy nổ cần phải di rời ra xa khu dân cư.
Trả lời kiến nghị của nhân dân, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ cho biết: Dự án xây dựng trạm biến áp 110 kV huyện Phú Xuyên do UBND thành phố quyết định phê duyệt đầu tư. Dự án đãthựchiện đầy đủ các bước theo quy trình và phù hợp với các quy hoạch của thành phố, của huyện. Về tác động của dự án đến sức khỏe, an toàn của con người và môi trường xung quanh, Dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội cũng đã có các văn bản giải thích, khẳng định dự án không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và môi trường xung quanh. Tổng Công ty điện lực Hà Nội cam kết triển khai xây dựng bảo đảm đúng các quy định của pháp luật và cam kết an toàn.
Tuy nhiên, ông Thọ cũng thừa nhận, quá trình triển khai thực hiện dự án tại cơ sở còn sơ xuất. Đó là Thị trấn Phú Xuyên chưa tổ chức lấy ý kiến nhân dân bị ảnh hưởng xung quanh mà chỉ lấy ý kiến của các hộ trong diện bị thu hồi đất dẫn đến việc nhân dân chưa đồng tình về địa điểm đặt trạm biến áp.
Kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết: Với trách nhiệm là người đứng đầu Huyện ủy, sẽ kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả kiểm điểm và xử lý kỷ luật cán bộ công khai trước nhân dân. Bà Hoa cũng cho biết, huyện sẽ tổng hợp tất cả các kiến nghị của nhân dân tại cuộc đối thoại này báo cáo UBND thành phố. Nhu cầu về điện và trạm biến áp ở Phú Xuyên là rất cần thiết. Đề nghị bà con đồng thuận để trạm điện sớm được triển khai xây dựng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.