(HNM) - Hiện nay, huyện Mỹ Đức còn 533 vụ vi phạm Luật Đê điều với các hình thức xây nhà ở kiên cố, công trình phụ, lều lán, xưởng ven các tuyến đê... nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi huyện Mỹ Đức, trong số 533 vụ vi phạm tồn tại, có 58 vụ mới phát sinh trong năm 2016-2017, còn lại chủ yếu có từ năm 2015 trở về trước.
Tại địa bàn xã Hợp Thanh, trong những năm 1992-1998, lãnh đạo xã thời kỳ này đã tự ý phân lô khu đất ven đê phía sông Mỹ Hà, thuộc địa bàn thôn Ải, thôn Vài để thu tiền, cấp trái thẩm quyền cho 53 hộ gia đình. Mỗi hộ được mua từ vài chục đến vài trăm mét vuông đất. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ, những tập thể, cá nhân có sai phạm đã bị xử lý.
Thế nhưng, vào thời điểm đó, do không có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu địa phương xử lý dứt điểm về đất đai nên các hộ dân vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng đất ở được giao trái thẩm quyền. Nhiều hộ tự tách thửa để chuyển nhượng, xây nhà ở và các công trình khác, nên hiện nay số hộ sử dụng đất tại khu vực này đã lên đến 144 hộ. Vào mùa mưa, nước sông dâng cao, nếu có nước lũ từ Hòa Bình đổ về, việc tồn tại các công trình nhà ở ven đê và lòng sông Mỹ Hà ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh cho biết, xã gặp khó khăn trong việc thu hồi đất của các hộ ven đê Mỹ Hà, vì các hộ đều đã xây dựng nhà ở kiên cố. Nếu thực hiện giải tỏa, kinh phí sẽ rất lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương. Hiện UBND xã đang yêu cầu các hộ đăng ký kê khai sử dụng đất nhằm quản lý, chống lấn chiếm, xây công trình gây cản trở dòng chảy. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có hơn 80 hộ đăng ký kê khai…
Không chỉ khu vực đê sông Mỹ Hà bị “chia lô” làm nhà ở, mà tại bờ hữu sông Đáy, thuộc địa bàn các thôn 5, 6… của xã Phù Lưu Tế, nhiều hộ dân cũng ngang nhiên biến bờ sông thành của riêng. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, từ năm 2016 trở về trước, xã Phù Lưu Tế phát sinh hàng chục vụ vi phạm pháp luật về đê điều với hình thức xây nhà cấp 4, công trình phụ, xưởng… Một điều dễ nhận thấy là khi vi phạm xảy ra, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, nên hiện nay, nhiều ngôi nhà nghiễm nhiên tồn tại.
Trong năm 2016 và đầu năm 2017, UBND huyện Mỹ Đức có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm mới phát sinh, đồng thời đề nghị UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Quy hoạch và Kiến trúc giúp xác định và cắm mốc chỉ giới các công trình, hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để phục vụ công tác xử lý, giải tỏa các vi phạm. Vậy nhưng, đến nay việc ngăn chặn, xử lý những trường hợp xây công trình vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn huyện Mỹ Đức không hiệu quả.
Thực tế, những trường hợp xây công trình ở mặt đê, mái đê, chân đê Mỹ Hà, mặt bờ hữu sông Đáy rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Nếu chính quyền địa phương quyết liệt ngăn chặn, xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, thì những công trình vi phạm sẽ không có cơ hội hoàn thiện, tồn tại trong nhiều năm. Nhằm giữ gìn an toàn các tuyến đê, rất cần UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo sát sao, gắn trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn cùng các cơ quan liên quan trong việc xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.