(HNM) - Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, huyện Mê Linh luôn xác định lấy nông nghiệp làm đòn bẩy, điểm tựa để phát triển bền vững. Tuy nhiên, với mũi nhọn nông nghiệp thì Mê Linh lại đang gặp phải những hạn chế khi hệ thống công trình thủy lợi thiếu và xuống cấp, khó đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang khẳng định, Mê Linh luôn phát triển nông nghiệp đa dạng. Vùng đồi gò các xã Ngọc Thanh, Cao Minh phát triển lâm nghiệp, trang trại và chăn nuôi gia súc; các xã Tiền Phong, Mê Linh, Tráng Việt, Đại Thịnh... chuyên sản xuất hoa, rau, cây màu thực phẩm; vùng ven sông Hồng chuyên canh lúa, nuôi bò thịt, bò sữa. Dấu ấn nổi bật của Mê Linh là phát triển vùng hoa rộng trên 400ha, giá trị đạt 150 triệu/ha/năm; phần diện tích áp dụng kỹ thuật cao đã đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/năm. Mê Linh đang tiếp tục chuyển sang quy hoạch 300ha hoa tại xã Tráng Việt để khôi phục lợi thế nghề trồng hoa.
Trong thời gian qua huyện Mê Linh đã chủ trương thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch sinh thái tạo đòn bẩy trong tương lai. Thế nhưng, hệ thống công trình thủy lợi tưới và tiêu đều chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển thủy lợi Mê Linh Phan Tuy Hội cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện còn thiếu trạm bơm tiêu; vùng tiêu tự chảy bị bồi lắng, chia cắt do nhiều dự án đang thi công lấp hết kênh, mương nội đồng, vùng bãi chưa có công trình tưới. Mê Linh còn bị động trong sản xuất, việc tưới, tiêu gặp nhiều khó khăn. Nếu không quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi hoàn chỉnh, đầu tư thêm công trình kênh mương, trạm bơm thì nông nghiệp Mê Linh chưa thể cất cánh - ông Hội chia sẻ.
Trên thực tế, vùng trũng thuộc hệ thống tiêu động lực 6.550ha của Mê Linh thường gặp khó khăn do có nhiều rốn nước sâu như đầm Văn Khê, Văn Lôi, Thạc Đà, Hoàng Kinh, Bồng Mạc, Bạch Trữ. Vùng trũng nhất thuộc xã Tiến Thắng ngoài tiêu cho 300ha lúa màu còn phải tiêu cho lưu vực 1.000ha của Phúc Yên đưa xuống nên chỉ cần mưa dưới 200mm là ngập úng, phải bơm tiêu hàng tuần mới hết úng. Do lưu vực tiêu rộng, ruộng quá trũng, cốt thấp nên canh tác không chủ động, người dân bỏ hoang 50ha lúa vụ mùa. Sở NN&PTNT Hà Nội đã lập dự án xây dựng trạm bơm Văn Khê, mở đường kênh dẫn từ trạm bơm Tam Báo và kênh Thạnh Phú nhưng chưa biết khi nào được đầu tư. Đối với vùng Thường Lệ lưu vực rộng 4.599ha, trong đó có 2.500ha lúa, màu nằm ở vùng rốn trũng dọc kênh Thạnh Phú, chỉ cần mưa 200mm là gây ngập úng cho các xã Mê Linh, Văn Khê, Liên Mạc. Vùng tiêu tự chảy thuộc 6 xã, 1 thị trấn khoảng 3.000ha, trong đó có 300ha quá trũng thuộc Quang Minh, Tiền Phong, Mê Linh khả năng tiêu rất chậm, nước dồn ứ dâng cao khi mưa 200mm. Cơn bão số 5 vừa qua đã làm cho 250ha lúa, hoa màu của hai xã Tiền Phong và Quang Minh mất trắng. Theo Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển thủy lợi Mê Linh, cần phải xây dựng trạm bơm tiêu động lực cho cả vùng. Hiện tại nhiều dự án đang thi công làm bồi lấp kênh, mương gây úng ngập cục bộ nên khả năng tiêu rất chậm, kênh Quang Minh - Đầm Và bị ách tắc do bồi lắng chỉ cần mưa 200mm là úng ngập nặng thiệt hại sản xuất và ngập vào cả nhà dân.
Ngoài khó khăn trong tiêu úng, việc cung cấp nước tưới của Mê Linh cũng rất nan giải. Hiện cả vùng bãi rộng 600-700ha người dân trồng hoa, rau màu nhưng không có công trình tưới, phải khoan giếng nên rất bị động trong sản xuất. Vụ xuân, Mê Linh phải lắp dã chiến 16 máy 1.100m3/h vẫn chưa bảo đảm nước tưới và rất khó khi thiếu nước tưới dưỡng cho lúa. Hiện trạm bơm Thanh Điềm máy móc đã cũ, các kênh dẫn Thạnh Phú, Tam Báo bị bồi lắng nhiều phải nạo vét hàng năm chi phí tới 4 tỷ đồng/năm. Thành phố Hà Nội đã duyệt cho xây dựng trạm bơm Thanh Điềm cố định 10 máy 3.600m3/h nhưng vấn đề vốn, thủ tục, giải phóng mặt bằng còn chậm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.