(HNM) - Sau một thời gian triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Mê Linh đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc thực hiện dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất.
100% số xã hoàn thành quy hoạch NTM
Trồng và chăm bón rau xanh ở huyện Mê Linh. Ảnh: Thái Hiền
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM huyện Mê Linh, huyện có nhiều lợi thế khi triển khai xây dựng NTM, đặc biệt là nhờ có quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống giao thông nông thôn của huyện tương đối hoàn chỉnh, cơ cấu lao động đã có bước chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ (DV). Tuy nhiên, ngoài quy hoạch chung của huyện, nhiều xã chưa có quy hoạch, hoặc có nhưng chất lượng thấp, đặc biệt là quy hoạch phát triển các khu dân cư nông thôn, quy hoạch sử dụng đất…
Ngay sau khi có chủ trương xây dựng NTM, huyện đã khảo sát, đánh giá lại thực trạng địa bàn, lập đề án xây dựng NTM. Huyện đã chọn Liên Mạc làm xã điểm, đồng thời chỉ đạo 15 xã còn lại tiếp tục xây dựng đề án, lập các quy hoạch chi tiết phục vụ xây dựng NTM. Chỉ sau 7 tháng xây dựng NTM theo Nghị quyết của HĐND huyện, đến nay Mê Linh đã hoàn thành quy hoạch NTM tại 16/16 xã. Cùng với xã điểm Liên Mạc, UBND huyện đã cấp kinh phí cho 15 xã còn lại (mỗi xã 150 triệu đồng từ ngân sách của huyện) để các xã lập đề án. Bốn xã: Thạch Đà, Kim Hoa, Tiến Thịnh, Mê Linh đã hoàn thành dự thảo đề án NTM.
Riêng đối với xã Liên Mạc, UBND huyện đã phân bổ 14,3 tỷ đồng từ ngân sách TP cho 9 dự án; 16,6 tỷ đồng từ ngân sách huyện cho 10 dự án giao thông, kênh mương nội đồng và trên 30 tỷ đồng kinh phí từ các chương trình lồng ghép cho xã. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường cho rằng, công tác xây dựng hạ tầng nông thôn ở đây được triển khai khá thuận lợi. Trong xây dựng cơ bản, những công trình ở xóm, thôn, BCĐ xã giao cho các xóm, thôn đảm nhận phối hợp cùng doanh nghiệp, bà con tham gia đóng góp ngày công. Nhờ đó, người dân có điều kiện trực tiếp tham gia và giám sát quá trình xây dựng NTM. Hiện xã điểm Liên Mạc đã hoàn thành 2 công trình trường học và đang tiếp tục triển khai 10 dự án giao thông, thủy lợi nội đồng...
Gỡ khó trong việc dồn điền đổi thửa
Việc triển khai xây dựng NTM tại huyện Mê Linh đang gặp không ít trở ngại. Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), cả huyện chưa có xã nào thực hiện được. Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Nông cho biết, toàn xã có 540ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cây ăn quả 12,2ha, nuôi trồng thủy sản 33,3ha, còn lại là chăn nuôi lợn, gia cầm; trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, do chưa DĐĐT, nên mỗi hộ trong xã có 7-8 thửa ruộng, khó áp dụng KHKT vào sản xuất, chất lượng sản phẩm thấp. Triển khai xây dựng NTM, xã đã lập quy hoạch các vùng sản xuất, đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: vùng rau an toàn 17,28ha, vùng lúa chất lượng cao diện tích 92,22ha; 3 khu nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả theo hướng đa canh, đa mục tiêu với diện tích 25ha; quy hoạch gần 24ha cho chăn nuôi tập trung xa khu dân cư... Đến thời điểm này, mặc dù đã tuyên truyền, vận động nhưng "người dân chưa đồng tình đổi ruộng với lý do: giao thông nội đồng chưa tốt, các ruộng ở xa chưa có đường vào; đất canh tác không bằng phẳng, 1/3 diện tích thuộc vùng trũng canh tác không hiệu quả. Hiện tại xã đang triển khai 10 dự án giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ DĐĐT nhưng người dân còn có tâm lý chờ dự án hoàn thành mới dồn đổi.
Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường, sản xuất nông nghiệp của huyện đang đứng trước khó khăn rất lớn bởi đất đai manh mún, nhỏ lẻ do chưa DĐĐT, rất khó tập trung để sản xuất lớn. Trong khi đó, huyện chưa triển khai công tác này nên cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, các bước triển khai còn lúng túng; người dân thì chưa được tận mắt chứng kiến hiệu quả từ DĐĐT nên chưa thực sự tin tưởng, gây khó khăn trong quá trình triển khai.
DĐĐT là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy xây dựng NTM. Khi kiểm tra tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mê Linh mới đây, TS Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, nếu Mê Linh đợi xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xong mới DĐĐT thì sẽ chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chương trình. Kinh nghiệm triển khai DĐĐT được thực hiện trong 8 năm, từ 1997-2005, tại các địa phương của tỉnh Hà Tây (cũ) đã đúc kết thành nhiều bài học, Mê Linh có thể áp dụng. Để tháo gỡ khó khăn trong DĐĐT, huyện cần chỉ đạo các xã xây dựng phương án cụ thể; tổ chức đi thăm thực tế tại các địa phương đã thành công trong DĐĐT, để người dân thảo luận các phương án phù hợp với đồng đất. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu nhận các thửa khó, xa để chuyển đổi theo hướng sản xuất trang trại, tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.