(HNM) - Mặc dù đất nông nghiệp còn ít, nhưng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hoài Đức đã tiến hành quy hoạch, dồn điền đổi thửa (DĐĐT).
Ruộng đất manh mún
Hoài Đức có diện tích đất nông nghiệp 4.272,12ha, trong đó diện tích có khả năng DĐĐT là 1.222ha (bằng 28,60%). Năm 2011, huyện đã dồn đổi được 372ha. Kế hoạch năm 2012, Hoài Đức sẽ thực hiện DĐĐT 400ha, nhưng để đạt được mục tiêu này không hề đơn giản. Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Hiến cho biết, chủ trương của huyện là chỉ thực hiện dồn đổi ở các xã có đất nông nghiệp ổn định thuộc vùng bãi phía tây đường vành đai 4 gồm các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, Đông La và Vân Côn. Tuy nhiên quá trình DĐĐT gặp rất nhiều khó khăn do ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, (mỗi hộ trung bình chỉ có trên 100m2, nằm ở nhiều xứ đồng khác nhau). Thực tế trong những năm qua, đã có nhiều dự án công nghiệp, đô thị đầu tư vào huyện, hiện đất nông nghiệp chỉ còn ở vùng bãi nên người dân có tâm lý cố giữ, vì vậy đã gây cản trở việc DĐĐT. Trước đây, trong quá trình giao đất, có những hộ được nhận ruộng ở gần nhà, trồng cây cam Canh, bưởi Diễn, nhãn… từ hàng chục năm nay, hiện đang cho hiệu quả kinh tế cao, giờ phải dồn đổi, chia lại nên phần lớn người dân không đồng tình. Thậm chí có những trường hợp có thể dồn được, nhưng quỹ đất dành cho làm đường giao thông nội đồng, kênh mương lại còn rất ít. Nếu để các hộ tự bỏ ra vài mét để phục vụ cho cơ sở hạ tầng là rất khó.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Tiền Yên Nguyễn Văn Hào cho biết, do đặc thù vùng bãi, hầu hết các hộ đều trồng rau gối vụ, sản xuất thuận lợi, ổn định nên người dân không mặn mà với DĐĐT. Ngoài ra, diện tích đất lại quá manh mún, đơn cử như một dự án rau an toàn với diện tích 30ha mà phải dồn ruộng của hơn 700 hộ, nên mất rất nhiều công sức và kinh phí.
Gỡ cách nào?
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong DĐĐT, nhưng lãnh đạo huyện xác định đây là việc cần phải làm để khắc phục tình trạng phân tán ruộng đất, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Để từng bước thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác DĐĐT, đẩy mạnh tuyên truyền vận động để nhân dân thấy được lợi ích của việc DĐĐT. Ngoài ngân sách của TP hỗ trợ, huyện ứng trước kinh phí, chỉ đạo các xã tổ chức hội họp đến từng thôn, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người dân, trên tinh thần bàn bạc dân chủ, tự nguyện, bình đẳng, đồng thuận với lợi ích chung.
Huyện Hoài Đức xác định, trong quá trình thực hiện DĐĐT, các xã tôn trọng quyền lợi của các hộ dân nhận khoán theo Nghị định 64; gắn chuyển đổi ruộng đất với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo đúng Luật Đất đai; gắn công tác DĐĐT với quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, công bố rộng rãi cho nhân dân biết để thực hiện. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ triển khai ở các xã có điều kiện thuận lợi như Đông La, Yên Sở, Đắc Sở, sau đó rút kinh nghiệm để mở rộng mô hình ra các xã khác. Đối với những xã có khó khăn, huyện tìm cách tháo gỡ, cử cán bộ về hỗ trợ biện pháp, tập trung nguồn lực đầu tư. Mục tiêu của huyện phấn đấu năm 2013 sẽ DĐĐT 822ha, đạt 67,27% diện tích đất nông nghiệp có khả năng dồn đổi, mỗi hộ chỉ còn 1-2 ô thửa. Mặc dù, còn nhiều gian nan, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hoài Đức phấn đấu xây dựng thành công NTM, phát triển nông nghiệp hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.