(HNMO) - Sáng 28-3, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND thành phố Hà Nội) đã làm việc với UBND huyện Gia Lâm về việc thực hiện chính sách của trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019-2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, thời gian gần đây, kết quả thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến.
Một số xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là Kim Sơn, Phù Đổng, Phú Thị, Đa Tốn, Dương Xá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2021-2022, huyện Gia Lâm hỗ trợ 50% vật tư thiết yếu sản xuất rau, quả an toàn, VietGAP tại 16 xã...
Đối với việc khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2019-2022, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Gia Lâm triển khai 16 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa tại các xã, thị trấn với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Việc cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi giúp nông dân giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí công, bảo đảm thời vụ... Đồng thời, từ năm 2019-2022, huyện đã xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho nông sản thực phẩm tại 12 xã; hỗ trợ đăng ký và cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký nhãn hiệu tập thể; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, giai đoạn 2019-2022, UBND huyện Gia Lâm cũng đầu tư triển khai 160 dự án xây dựng hạ tầng đường giao thông và kênh mương nội đồng.
Về việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của thành phố về phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, huyện Gia Lâm tập trung đầu tư phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao - xã Bát Tràng; làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng - xã Bát Tràng; làng nghề truyền thống gốm sứ Kim Lan; làng nghề truyền thống dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ; làng nghề truyền thống thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp...
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND huyện Gia Lâm cũng chỉ ra một số khó khăn như chưa có hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ cụ thể đối với một số mô hình ứng dụng công nghệ cao như: Giống, nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi; đối với mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn khó áp dụng.
Cùng với đó, các công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp nằm ở ngoài bãi sông, trong không gian thoát lũ trên địa bàn các xã: Văn Đức, Kim Lan, Đặng Xá, Phù Đồng, Dương Hà khó thực hiện do liên quan đến Luật Đê điều năm 2006 và Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Gia Lâm làm rõ một số chính sách hỗ trợ cụ thể trong thực hiện các cơ chế, chính sách như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công tác tập huấn; đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga khẳng định, huyện Gia Lâm đã chú trọng triển khai các chính sách của trung ương và thành phố về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế chất lượng cao. Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của huyện, Trưởng đoàn giám sát khẳng định, Ban sẽ tổng hợp, tham mưu HĐND thành phố xem xét, ban hành chính sách kịp thời đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.