(HNM) - Được phê duyệt từ năm 2007 và qua 2 lần điều chỉnh, đến nay nhiều hạng mục quan trọng của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới Trung Hà và thay thế nhiệm vụ tưới của hồ Suối Hai (Ba Vì) vẫn
Vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang tại công trường công trình thủy lợi Trung Hà qua thị trấn Tây Đằng. |
Đoạn kênh chạy qua thôn Gò Quê (thị trấn Tây Đằng) khoảng vài trăm mét nhưng qua nhiều ngày thi công vẫn chưa thông. Ngày 2-11, có mặt tại hiện trường vẫn thấy hàng trăm tấm bê tông đúc sẵn nằm ngổn ngang nhưng không thấy bóng dáng công nhân và máy móc thi công. Dọc bờ kênh có nơi đã được gắn bê tông, nơi vẫn còn cây dại mọc um tùm. Anh Nguyễn Đình Nghĩa (xóm Nam, thôn Gò Quê, thị trấn Tây Đằng) cho biết, công trình dang dở khiến người dân trong thôn đi lại rất khó khăn. Việc chậm trễ là do cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm trong khâu GPMB nên dự án đến đây bị "tắc". Qua thôn Gò Quê, chạy sâu vào phía trong con kênh là thôn Cầu Bã (thị trấn Tây Đằng), nhiều diện tích con kênh chạy qua nằm trong diện phải GPMB còn phức tạp hơn nhiều vì đi qua phần đất của người dân đã sinh sống lâu năm hoặc đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khiến cho việc đền bù gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đại Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng, kênh dự án thủy lợi Trung Hà chạy qua thị trấn khoảng 7,5km nhưng đến nay còn vướng khoảng 800m. Đối với 800m kênh này, theo thống kê của UBND xã có 54 hộ với hơn 2.011m2 đất các loại cần GPMB, trong đó có 19 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. UBND thị trấn đã tổ chức hai hội nghị vận động, tuyên truyền người dân tự nguyện GPMB nhưng chưa có kết quả. Để giải quyết khúc mắc này, UBND thị trấn đã có chủ trương cân đối ngân sách xã để hỗ trợ một phần kinh phí GPMB trong tổng dự toán khoảng 1,63 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là phải trình HĐND xã quyết nghị, nhưng việc làm này khó thực hiện vì không kịp để trình kỳ họp cuối năm nay.
Ngay từ khi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 2315, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới Trung Hà và thay thế nhiệm vụ tưới của hồ Suối Hai (dự án thủy lợi Trung Hà) ngày 4-12-2007 với tổng kinh phí hơn 137 tỷ đồng đã không bố trí kinh phí GPMB tới phần diện tích sử dụng đất thi công dự án trên cơ sở đất hiện có. Tuy nhiên, về phương án GPMB, Quyết định 2315 nêu rõ, giao UBND huyện Ba Vì tổ chức triển khai thực hiện theo quy định và chịu trách nhiệm phần ngân sách đền bù GPMB (nếu có). Quyết định là vậy, nhưng khi đề cập đến vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần đã đẩy trách nhiệm về UBND các xã, thị trấn phải tự giải quyết: "Công trình thủy lợi Trung Hà được hoàn thành từ năm 1966 và có ranh giới rõ ràng khi đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay, nhiều xã quản lý đất đai chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều hộ được cấp đất ở, đất sản xuất xâm phạm vào công trình thủy lợi. Vì vậy, trách nhiệm bây giờ phải thuộc cấp xã giải quyết".
Đáng nói, sau khi được phê duyệt năm 2007 thì dự án thủy lợi Trung Hà tiếp tục được điều chỉnh lần thứ nhất năm 2009 với tổng kinh phí 192,4 tỷ đồng; điều chỉnh lần 2 năm 2010 kết hợp với làm đường giao thông với kinh phí đội lên gần 356 tỷ đồng (nguồn vốn trái phiếu chính phủ). Thời gian thi công công trình cũng được đẩy thêm 4 năm (2010-2014) so với quyết định ban đầu (trong Quyết định 2315 phê duyệt thực hiện dự án từ năm 2008-2010). Như vậy, trong thời gian thi công theo Quyết định 2315 từ năm 2008 đến 2010 thì dự án chỉ làm được hai việc lớn là… trải qua hai lần điều chỉnh và chuyển chủ đầu tư từ Sở NN&PTNT sang UBND huyện Ba Vì (tháng 7-2008). Đáng quan tâm hơn là sau nhiều lần điều chỉnh nhưng tiến độ dự án vẫn chậm, vẫn còn nhiều vướng mắc. Hiện, dự án này mới kiên cố hóa được 17km/31,38km trên 4 tuyến kênh chính; xây xong nhà trạm bơm, nhà biến áp và đang triển khai lắp đặt máy bơm. Hạng mục quan trọng nhất là kênh tuyến 2 với chiều dài 10,8km, kinh phí khoảng 180 tỷ đồng vẫn chưa thi công. Theo ông Nguyễn Đình Dần, bên cạnh vướng mắc GPMB thì nguồn vốn cũng đang gặp khó khăn, toàn bộ dự án mới được cấp khoảng 130 tỷ đồng, riêng năm 2012 chỉ được 12 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian thi công quá ít, một năm chỉ có 100 đến 120 ngày thi công, còn lại công trình phải đảm trách nhiệm vụ tưới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.