(HNM) - Mấy ngày gần đây, hàng trăm hộ dân 3 xã Tiên Phong, Cam Thượng, Vật Lại huyện Ba Vì như ngồi trên đống lửa khi chứng kiến cảnh hơn 200ha lúa bị mất trắng...
Ai đi qua cánh đồng vensông Tích thuộc thôn Bằng Lũng, xã Tiên Phong chứng kiến cảnh hàng chục héc ta lúa đang thời kỳ trổ đòng bị chết úa đều không khỏi xót xa. Ông Nguyễn Duy Sơn, nhà khu 9, thôn Bằng Lũng than thở: "Gia đình có 4 sào ruộng thì bị mất trắng 2 sào. Tính chi phí công cày bừa, làm đất, giống, thuốc trừ sâu… đầu tư mất không 600 nghìn đồng, chưa kể công chăm sóc. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình sẽ phải lo đong ăn ít nhất 3-4 tháng. Không có nghề phụ, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, mất mùa thế này thì người dân rất khó khăn". Hộ bà Nguyễn Thị Huê ở khu 2, thôn Thanh Luỹ còn bi đát hơn khi cả 3 sào ruộng của gia đình bị mất trắng. Bà Huê xót xa: "Gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng để nuôi 2 con ăn học, giờ mất mùa thế này chưa biết phải xoay xở ra sao".
Những ruộng lúa ở xã Tiên Phong đang thời kỳ trổ đòng bị ngập nước lâu ngày đứng trước nguy cơ mất trắng. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong Đỗ Đình Trưởng, vụ mùa này, xã cấy 231ha lúa thì 80ha đã mất trắng do úng ngập, 25ha lúa khác nguy cơ giảm năng suất tới một nửa. Trong số đó, hộ mất ít cũng 2-3 sào, hộ nhiều mất cả mẫu ruộng. 5 năm gần đây, năm nào Tiên Phong cũng xảy ra tình trạng bị ngập úng, trong đó riêng năm 2012 vừa qua, xã mất trắng 161ha. Nguyên nhân chủ yếu do xã thuộc vùng trũng, có tới 6km sông Tích chạy qua nên chỉ cần mưa 2-3 ngày liên tiếp là bị ngập úng. Trong khi đó, cuộc sống của người dân Tiên Phong chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không có nghề phụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 mới đạt 11,5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 300 hộ, chiếm 16%. Tình trạng mất mùa liên tiếp càng khiến đời sống của người dân thêm phần khó khăn, rất khó thoát nghèo. "Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần lên huyện và các ngành chức năng đề nghị cấp trên có hướng tháo gỡ, hạn chế thiệt hại do thiên tai cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được"- ông Trưởng cho biết.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Vĩnh Liên: "Quy hoạch thủy lợi của Hà Nội mới được phê duyệt năm 2012. Đầu tư cho một công trình thủy lợi kinh phí hàng trăm tỷ đồng nên thành phố chưa bố trí vốn ngay được. Ngoài một số xã bị úng ngập ven sông Tích, Hà Nội còn rất nhiều xã ven sông cũng trong tình trạng này và phải chờ kinh phí theo kế hoạch"… |
Không riêng gì xã Tiên Phong, tình trạng úng ngập còn diễn ra ở xã Cam Thượng. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Quý, xã có 250ha thì đã bị ngập 73,3ha, trong đó 60ha bị mất trắng, 13ha khôi phục được nhưng năng suất sẽ rất thấp.
Theo phản ánh của các xã và người dân, do sông Tích quá lâu chưa được nạo vét nên bị đất, cát bồi lấp, hiện lòng sông rất nông, tiêu nước rất chậm nên cứ mưa to là ngập úng. Phía đầu nguồn sông Tích lại có 5 trạm bơm tiêu thoát nước cho các xã xung quanh đổ ra sông nên các địa phương đã bị ngập lúa phải chờ đợi nước chôn tại chỗ không tiêu thoát được. Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho thấy các xã ven sông Tích cứ mưa từ 170-200mm là ngập 300- 500ha. Gần đây nhất, trong đợt mưa từ ngày 3 đến 7 tháng 9, cả huyện bị thiệt hại 207ha lúa, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tiên Phong, Cam Thượng và Vật Lại.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, sông Tích tiêu nước cho khoảng 7.000ha từ 5 trạm bơm tiêu khu vực Cổ Đô, Vạn Thắng và hệ thống kênh tiêu Đầm Long - cống Chuốc đổ ra. Để khơi thông dòng chảy, năm nào huyện cũng phát động các xã có sông chảy qua phát quang và khơi thông ven bờ… Tuy nhiên do kinh phí có hạn nên việc triển khai còn hạn chế, không khắc phục được. Khi các kênh tiêu càng đổ nước về sông Tích bao nhiêu thì các xã này càng ngập nặng bấy nhiêu và việc này là bất khả kháng. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã chỉ đạo các xã thường xuyên bị úng ngập xây dựng phương án chuyển đổi các khu vực bị úng ngập sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng gặp khó khăn bởi chưa xác định cơ cấu cây trồng phù hợp hơn lúa và nông dân chưa mạnh dạn bỏ lúa trồng cây khác.
Có thể thấy, tình trạng ngập úng ở các xã Tiên Phong, Cam Thượng, Vật Lại diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục kịp thời nên đời sống của nhiều hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Câu trả lời cho bài toán này xin nhường lại cho UBND huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND thành phố để người dân sớm được ổn định sản xuất và cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.