(HNM) - Huy động vốn xây dựng nông thôn mới (NTM) là việc vô cùng khó khăn đối với các xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để tháo gỡ, huyện Mê Linh đã tuyên truyền, vận động nhiều doanh nghiệp (DN) đóng góp xây dựng NTM.
Theo đề án xây dựng NTM của huyện vừa được phê duyệt, Mê Linh đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh nâng cao giá trị sản xuất như: vùng rau an toàn 700ha, vùng hoa 450ha tại các xã ven sông Hồng. Huyện sẽ triển khai đồng loạt dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, KHKT vào sản xuất; khuyến khích tích tụ ruộng đất gắn với phát triển kinh tế trang trại, HTX và các loại hình DN nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… Tại xã Liên Mạc, sau khi đề án của xã được cấp trên phê duyệt với kinh phí 192 tỷ đồng, hàng chục dự án đã được triển khai như: Làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học… Bên cạnh xã điểm Liên Mạc, huyện Mê Linh chỉ đạo 15 xã khác trên địa bàn tiếp tục xây dựng đề án, đồng thời lập quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, 16/16 xã đã hoàn thành quy hoạch.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Mê Linh là vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng. Ông Đoàn Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chương trình xây dựng NTM ở mỗi xã trung bình "ngốn" khoảng 200-300 tỷ đồng. Quan điểm chỉ đạo là Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, địa phương phải huy động nội lực là chính. Nhưng, nông dân Mê Linh còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, lại manh mún, nhỏ lẻ; tập quán canh tác lạc hậu chưa theo kịp phương pháp sản xuất hiện đại. Đặc biệt, hạ tầng nông thôn kém. Đánh giá hiện trạng nông thôn, Mê Linh chỉ có một tiêu chí đạt, 7/19 tiêu chí cơ bản đạt trên 50%, 11/19 tiêu chí chưa đạt. Với mục tiêu giai đoạn 2010-2015, toàn huyện có 35-40% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó xã điểm Liên Mạc hoàn thành vào năm 2012 thì đây là một thách thức không nhỏ.
Nông dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của quá trình xây dựng NTM, nên việc người dân trực tiếp tham gia là yếu tố quyết định. Xác định rõ như vậy nên các bước triển khai xây dựng NTM tại Mê Linh đều được triển khai theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng thụ", và đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh đó, huyện Mê Linh còn đẩy mạnh huy động nguồn lực từ nhiều phía, kêu gọi sự tài trợ của các DN, những người con quê hương đang sinh sống trên mọi miền đất nước để tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM.
Bí thư Huyện ủy Lưu Tiến Long cho biết, Mê Linh có lợi thế với 2 khu công nghiệp lớn là Quang Minh 1 và 2 cùng rất nhiều khu, cụm công nghiệp nhỏ khác như Tiền Phong, Đại Thịnh, Văn Khê… với tổng số hơn 400 DN đóng trên địa bàn. Huyện đã tổ chức nhiều hội nghị, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, đồng thời vận động các DN tham gia đóng góp với tinh thần người nông dân đã nhường lại đất sản xuất để làm khu, cụm công nghiệp cho các nhà máy hoạt động; con em nông dân đã và đang từng ngày tham gia sản xuất trong các nhà máy đó nên việc tham gia xây dựng NTM chính là trách nhiệm, tấm lòng của các DN hướng về nông dân và chăm lo đời sống gia đình cho công nhân của mình.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục DN đã tham gia đóng góp, thể hiện trách nhiệm cùng địa phương trong xây dựng NTM với kinh phí gần 67 tỷ đồng. Nhiều DN đã ủng hộ số tiền lớn như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ủng hộ 39 tỷ đồng xây dựng các trường học; Công ty TNHH Minh Giang ủng hộ 10,7 tỷ đồng xây dựng các công trình văn hóa; Công ty cổ phần Bất động sản AIC ủng hộ 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Thịnh 5 tỷ đồng… Anh Nguyễn Kháng Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Thịnh cho biết, mặc dù năm 2011, sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng hướng về nông dân, nông thôn, các DN trên địa bàn sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.