(HNM) - Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Mục tiêu này được thực hiện bằng các chương trình hành động, có định hướng của Chính phủ thông qua đa dạng hóa nguồn lực, trong đó có huy động đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.
Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình tái cơ cấu nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế thông quá việc áp dụng công nghệ tiên tiến để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính... Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Hoa Cương, thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, vừa thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam...
Ông Michael Krakowski, cố vấn trưởng Chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” do Tổ chức hợp tác và Phát triển Đức thực hiện tại Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng cũng chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nên kiên trì tuyên truyền và hỗ trợ cho sản xuất sạch trên diện rộng, kêu gọi đầu tư tư nhân đầu tư cho năng lượng sạch và năng lượng tái tạo...
Trên thực tế, đến nay Việt Nam ngày càng có nhiều dự án năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, chủ yếu ở các tỉnh miền núi, cao nguyên hoặc ven biển. Các dự án đó góp phần bảo đảm an ninh năng lượng đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Dư địa cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh còn nhiều, song để thu hút được nhiều dự án từ khu vực tư nhân cũng cần giải quyết một số hạn chế, tồn tại liên quan đến quy định, chính sách. Theo Tiến sĩ Hồ Công Hòa - đại diện nhóm nghiên cứu dự án Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cần có sự thống nhất quan điểm xây dựng, hoàn thiện một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách theo hướng vừa bắt buộc vừa khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện tăng trưởng xanh và gắn liền với thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường. Chính phủ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành cơ chế thí điểm triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong thu gom, xử lý nước/chất thải, cấp nước có quy mô đến 200 tỷ đồng ở khu vực nông thôn, cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi…
Tiến sĩ Hồ Công Hòa cũng tỏ ý lo ngại về một số thực trạng, hạn chế hiện nay, gồm: Tình trạng chậm/khó khăn trong giải phóng mặt bằng xây dựng dự án; thiếu vốn “mồi”, hỗ trợ từ Nhà nước; thiếu hướng dẫn cụ thể về vấn đề đàm phán đối với dự án PPP... Chung nhận định, một số chuyên gia cũng nêu bất cập, yếu kém trong lập và triển khai quy hoạch xử lý chất thải rắn, chính sách mua/bán và giá điện chưa ổn định... là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận, đầu tư và triển khai dự án của tư nhân phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, cần có cách tiếp cận trực diện thông qua việc nâng cao trách nhiệm của người gây ô nhiễm và buộc họ phải trả tiền ở mức tương xứng. Trong đó, nâng mức phí bảo vệ môi trường nước thải, đẩy mạnh thu phí rác thải sinh hoạt... trên tinh thần minh bạch. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định và sự tin tưởng vào khả năng đóng góp của khu vực tư nhân vào quá trình thực hiện tăng trưởng xanh của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.