(HNM) - Liên tục những ngày qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị lũ uy hiếp. Tình hình trở nên khẩn cấp hơn khi nhiều tuyến đê vừa được gia cố đã bị vỡ do lũ vượt đỉnh năm 2000, đe dọa hàng trăm nghìn hécta lúa vụ thu - đông.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) gia cố đê và vận chuyển cát (ảnh dưới) tại xã Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang).
Tỉnh An Giang: 4 người chết do lũ, 7 điểm vỡ đê bao
Tại khu vực đầu nguồn lũ An Giang, mực nước đã vượt đỉnh lũ năm 2000. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Đồng Tháp khi nước lũ chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 là 0,29m.
Do nước lũ lên nhanh vượt mức báo động 3, mực nước tại phần lớn các tuyến đê, đập đều xấp xỉ đỉnh và một số nơi nước đã tràn qua, nhất là tuyến đê ở các xã Ô Long Vĩ, Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Mỹ Đức (huyện Châu Phú), tuyến 957 xã Đa Phước (huyện An Phú), tuyến Tha La xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu (TX Châu Đốc)… Đến ngày 29-9, toàn tỉnh An Giang đã có thêm 3 điểm đê bao bị vỡ, nâng tổng số đê bao bị vỡ trên toàn tỉnh lên 7 điểm. Ông Vương Hữu Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, toàn tỉnh đã có 2.032 ngôi nhà bị ngập, 627 nhà bị xiêu vẹo, đã di dời được 124 hộ, còn 255 hộ ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới và TP Long Xuyên đang tiếp tục di dời; 2.700ha lúa vụ 3, 100ha hoa màu bị ngập; toàn tỉnh đã có 4 trường hợp bị tử vong liên quan đến lũ.
Theo ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vật liệu ngăn lũ. Huyện đã chỉ đạo mỗi xã thành lập tổ 10 người, trang bị 2 cưa máy để mua cừ tràm, bạch đàn trong dân làm vật liệu ngăn lũ; tổ chức lực lượng công an, Phòng Tài nguyên - Môi trường túc trực tại các mỏ cát trên địa bàn để kịp thời gom cát đưa đến các điểm nóng về lũ; toàn huyện có gần 2.000 người tham gia gia cố đê, gồm cán bộ, nhân dân trong huyện và lực lượng của Quân khu 9 cùng BCH quân sự các huyện lân cận.
Những ngày qua, An Giang đã huy động mọi nguồn lực bảo vệ tính mạng tài sản nhân dân trong mùa lũ. Quân khu 9 đã điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc Sư đoàn 330; Công an, Tỉnh đội cũng tăng viện cho các địa phương, nâng tổng số nhân lực tham gia bảo vệ và cứu hộ đê, ứng trực lên hơn 14.000 người. Toàn tỉnh đã tổ chức 32 điểm giữ trẻ mùa lũ với 1.380 cháu nhỏ tại các huyện An Phú, Châu Đốc, Châu Thành; thành lập, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh cho 502 chốt, điểm cứu hộ cứu nạn trên các tuyến sông, kinh, rạch. Ước tính tổng kinh phí chi bảo vệ đê, phòng chống lũ lên tới 35 tỷ đồng.
Đồng Tháp: Học sinh nghỉ học tránh lũ
Ngày 29-9, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Đồng Tháp cho biết, nước lũ tiếp tục lên nhanh với cường suất từ 5-15 cm/ngày. Mực nước cao nhất đo được tại Tân Châu đạt mức 4,82m, vượt báo động 3 là 0,32m; tại TP Cao Lãnh đạt 2,47m, vượt báo động 3 là 0,17m… Đến nay Đồng Tháp còn 24.197ha lúa chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các huyện phía bắc của tỉnh và huyện Lấp Vò.
Do nước lũ lên nhanh, sáng 29-9, tuyến đê bao ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng bị sạt khoảng 10m. Hàng loạt tuyến đê khác ở Đồng Tháp cũng đang bị đe dọa, buộc các lực lượng và nhân dân địa phương phải gia cố liên tục bất kể ngày đêm. Đáng lo ngại là nhiều tuyến đê ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông và TX Hồng Ngự chỉ còn cách mực nước lũ khoảng 0,1-0,3m, nguy cơ vỡ rất lớn. 6h sáng 29-9, đoạn đê bao Tư Ân thuộc tuyến đê Thường Thới Tiền - Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự) bị sụt lún 7m nên nước lũ đã tràn vào, sau 4 giờ tích cực ứng cứu mới khắc phục được. Để bảo đảm an toàn cho học sinh trước tình hình lũ đặc biệt lớn này, ngày 29-9 UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các điểm trường tiểu học và THCS cho học sinh nghỉ học từ ngày 29-9 đến hết 8-10-2011.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Huyện ủy Tam Nông, cho biết, "điểm nóng" ở Tam Nông là khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim. Những ngày qua, lực lượng quân đội, tự vệ, người dân đã túc trực 24/24h để gia cố đê. Tình hình lũ tại Tam Nông diễn biến hết sức khó lường.
Trước tình hình lũ ngày một lớn, ngoài sự chi viện của quân đội, Tỉnh đoàn và Trường ĐH Đồng Tháp đã huy động hàng trăm thanh niên ra quân hỗ trợ các địa phương. Tỉnh đã tạm ứng hàng chục tỷ đồng giúp các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình và TX Hồng Ngự kịp thời gia cố đê bao. Hiện nước lũ đã tràn qua nhiều tuyến đường nông thôn, đe dọa tỉnh lộ 843 từ Tràm Chim về Tân Hồng. Nhiều đoạn bờ bao bảo vệ lúa thu đông, tại các huyện đầu nguồn chỉ còn cao hơn mặt nước 0,1-0,3m. Triều cường kết hợp lũ thượng nguồn đổ về đã gây ngập cục bộ nhiều đoạn bờ bao bảo vệ các vườn cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam tỉnh. Tỉnh cũng áp dụng hình thức trưng mua, trưng dụng tài sản tại chỗ của nhân dân như cừ tràm, bạch đàn, đất đai, hoa màu, ghe, thuyền để chống lũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.