LTS: Nhằm tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Báo Hànộimới phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội mở chuyên trang:
(HNM) - Xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của BCH Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài không chỉ tập trung xây dựng hạ tầng mà phải chuyển người dân khu vực nông thôn từ sản xuất nhỏ, manh mún, thành sản xuất hàng hóa. Vấn đề đặt ra là phải khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trong nông dân và nâng cao mức sống cho nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để giải quyết vấn đề nông thôn. Xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện chương trình phát triển toàn diện và vững chắc nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, môi trường - y tế, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, để người nông dân từ sản xuất tùy tiện, hủy hoại môi trường, thành có ý thức sản xuất, xây dựng theo quy hoạch, biết bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, có ý thức bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí cộng đồng. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn, phát huy dân chủ, đề cao pháp quyền, cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở nông thôn, xem đó là nhiệm vụ then chốt để xây dựng nông thôn mới.
Những nét cơ bản về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội
Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.340km2, dân số 6,5 triệu người, với 29 đơn vị hành chính cấp huyện (10 quận, 1 thị xã, 18 huyện), khu vực ngoại thành có diện tích khoảng 2.800km2, chiếm 85% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất nông nghiệp 180.000ha (1.800km2), dân số nông thôn xấp xỉ 4 triệu người, với 401 xã/577 xã, phường, thị trấn của toàn thành phố. Trong những năm gần đây, khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển, đời sống nông dân Thủ đô từng bước được cải thiện.
Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 bình quân 1,75%/năm; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả: diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng. Đã coi trọng việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được tăng cường. Bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng cao ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh. Chăn nuôi, thủy sản phát triển mạnh: các chỉ tiêu về đàn lợn, gia cầm và tổng sản lượng thịt hơi dẫn đầu cả nước.
Các chương trình của Thành ủy về phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn. Nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân được triển khai thực hiện có hiệu quả. Quan tâm cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, trạm bơm, cứng hóa mặt đê, nạo vét kênh mương, hồ chứa nước, xây kè chống sạt lở của các sông trên địa bàn. Triển khai kịp thời chủ trương về miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân.
Quy hoạch, xây dựng hạ tầng nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường được chú trọng. Hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, điện, nước sạch được quan tâm đầu tư. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm, nhất là ở những nơi bị thu hồi đất canh tác. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 25,4%. Công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công được triển khai có hiệu quả. Đời sống nông dân ở nhiều địa bàn từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Nhiều ngành nghề truyền thống ở nông thôn với các sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường được duy trì, củng cố và phát triển. An ninh nông thôn được bảo đảm.
Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá một cách tổng quan thì điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, khu vực ngoại thành còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân và có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, thu nhập bình quân, đời sống vật chất, tinh thần khu vực nội ngoại thành (nội thành bình quân trên 3.000 USD/người/năm, ngoại thành từ 700-800 USD/người/năm).
Sản xuất khu vực nông thôn vẫn là nền sản xuất nhỏ manh mún với công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngành nông nghiệp phụ thuộc và chịu rủi ro rất cao do diễn biến bất thường, phức tạp của thiên tai, dịch bệnh. Do tác động của quá trình đô thị hóa, lao động nông nghiệp thiếu việc làm ngày càng nhiều tạo ra sức ép lớn về lao động dư thừa trong nông thôn; sự ổn định về sản xuất ở một số vùng nông thôn đang bị phá vỡ. Trong khi đó cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, môi trường nông thôn bị ô nhiễm ngày càng tăng đang là những bức xúc và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ngoại thành.
Trình độ lao động nông nghiệp qua đào tạo còn thấp, do vậy việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Lao động làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế sản xuất qua các năm, chưa vận dụng và phát huy được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp chưa đa dạng, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị thu nhập thấp. Hơn thế nữa đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thu hồi vốn chậm lại nhiều rủi ro nên chưa khuyến khích được các nhà đầu tư. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn so với nhu cầu của phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra.
Khẩn trương triển khai
Về chỉ đạo: Đã thành lập BCĐ ở cả 3 cấp (thành phố, huyện, xã). Ở cấp xã, ngoài BCĐ, ban quản lý xây dựng của xã, còn thành lập tiểu ban quản lý xây dựng của từng thôn, nòng cốt là cấp ủy, trưởng, phó thôn, các đoàn thể và một số hộ dân tiêu biểu tham gia để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nội dung công việc của thôn (từ việc tuyên truyền học tập, huy động đóng góp, tổ chức thực hiện mọi công việc của thôn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện những công việc họ phải làm, đến việc tham gia đóng góp thực hiện mọi nội dung công việc của xã). Chỉ đạo đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào nghị quyết đại hội đảng các cấp huyện, xã. Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, Hà Nội - địa phương duy nhất trên cả nước đã xây dựng một chương, mục riêng về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phấn đấu đến năm 2015, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia.
Bên cạnh Ban chỉ đạo của thành phố, của huyện, có tổ công tác giúp việc BCĐ, thành phần là các sở, ban, ngành, các phòng, ban chuyên môn của huyện. Nhiệm vụ của tổ công tác hướng dẫn, giúp xã khảo sát, đánh giá thực trạng, xây dựng tiêu chí, lập tiểu đề án, xác định những nội dung công việc phải làm của từng tiêu chí, phân công trách nhiệm ai làm, làm như thế nào, từ đó làm cơ sở lập đề án và xây dựng kế hoạch thực hiện.
Về tổ chức thực hiện: Trên cơ sở đề án thực hiện ở cả 3 cấp: thành phố, huyện, xã đều xây dựng kế hoạch thực hiện (đối với thành phố, huyện là kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện; kế hoạch của cấp xã được xây dựng chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng tiêu chí, có sự phân công, phân kì, xác định trách nhiệm thực hiện cụ thể. Từng nội dung công việc cụ thể đều được nhân dân bàn bạc, thống nhất, quyết định từ việc xác định danh mục công trình đầu tư, nội dung công việc phải làm, việc nào làm trước, việc nào làm sau, đến việc lựa chọn hình thức thực hiện, tạo điều kiện để dân tham gia đóng góp xây dựng, tiết kiệm được kinh phí, hạn chế được những thắc mắc khiếu kiện, dân tin tưởng tham gia.
Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21-4-2010 về Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến 2030 với tổng vốn đầu tư là 32.000 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách: 17.805 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 1.440 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp: 5.711 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 7.044 tỷ đồng.
Tuy thời gian thực hiện còn ngắn, nhưng chương trình đã thu được kết quả bước đầu khá tích cực. Ban chỉ đạo các cấp đã bám sát kế hoạch và đề án được duyệt, tổ chức thực hiện tập trung, đồng bộ hơn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những mặt còn yếu ở từng địa phương; do đó, kết quả đạt được và tiến độ công việc đã được đẩy nhanh hơn theo từng tháng, từng quý. Việc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã đã đạt được kết quả rõ rệt; các nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, bảo vệ môi trường được xác định là một trọng tâm đặc biệt quan trọng của chương trình khi thực hiện nghiên cứu xây dựng đề án ở các xã. Nội dung xây dựng nông thôn mới đã được bàn sâu và là trọng tâm của đại hội chi bộ, đảng bộ ở cấp xã, huyện; sau đại hội, đội ngũ cán bộ xã, huyện và ban quản lý, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm bổ sung, điều chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, sau một năm thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Một số công việc thực hiện còn chậm so với kế hoạch, nhất là công tác quy hoạch chi tiết và phê duyệt các dự án cụ thể; còn lúng túng và hạn chế trong bố trí vốn ngân sách địa phương, ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các xã điểm và cơ chế sử dụng các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng của xã; việc huy động vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; triển khai các nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng đời sống văn hóa chưa được tập trung cao, có mặt còn lúng túng.
Giải pháp thực hiện
Để đạt được chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đạt trên 40%, là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và các sở, ngành thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt cho được các nội dung, yêu cầu công việc như sau:
- Cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ thành phố tới cơ sở, phải nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ sở, đặc biệt là cấp huyện phải chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện trực tiếp, toàn diện, đối với cấp xã phải xác định rõ tình hình thực tế, căn cứ khả năng, nguồn lực của địa phương để xây dựng đề án, chú ý đến việc tôn trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của cán bộ thôn, tránh áp đặt chủ quan.
- Để bảo đảm xây dựng mô hình nông thôn mới thành công trên diện rộng, vấn đề có tính quyết định là phải làm chuyển biến nhận thức của cán bộ nhân dân giúp họ nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa, đặc biệt là trách nhiệm của người dân đối với việc xây dựng nông thôn mới để họ tự giác tham gia xây dựng, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
- Cần quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với việc phát triển đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là ở vùng khó khăn; tập trung vào việc dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; xây dựng các mô hình, hình thức, phương thức tổ chức sản xuất sao cho có hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; chú trọng đầu tư các lĩnh vực như: tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại, dịch vụ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển bền vững.
- Phải thực hiện đào tạo bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ ở cơ sở thực sự có năng lực, kinh nghiệm tâm huyết, trách nhiệm để triển khai và tổ chức chỉ đạo thực hiện có kết quả (hiện tại đội ngũ cán bộ ở cơ sở nhìn chung năng lực, tâm huyết, trách nhiệm còn có những hạn chế).
- Phải có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện theo hướng tăng cường phân cấp ủy quyền, gắn trách nhiệm của cơ sở trong tổ chức thực hiện.
- Về khai thác nguồn lực: Cần tránh tư tưởng thụ động, trông chờ vào ngân sách nhà nước, cấp trên, phải coi trọng nguồn lực tại chỗ, cùng với huy động đóng góp của nhân dân, việc huy động sự đóng góp của dân phải đa dạng, linh hoạt, tạo điều kiện mọi nhà, mọi người có cơ hội tham gia đóng góp.
- Phát động thành cuộc vận động sâu rộng trong hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời tăng cường việc tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở các chuyên thư, chuyên mục, xây dựng những phóng sự ngắn để mọi người dân được biết và thực hiện. Trong quá trình vận động và tổ chức triển khai thực hiện cần chú ý làm rõ vị trí, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân trong xây dựng nông thôn mới: đó là chủ thể tiếp nhận đề án, được bàn bạc dân chủ, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, quản lý, giám sát đối với các dự án xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân cần xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm, chủ động đóng góp công sức, tài lực, vật lực, tích cực tham gia tổ chức thực hiện và cũng chính là đối tượng được những thụ hưởng thành quả trong xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.