(HNM) - Đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà; xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng và sông Đuống (giai đoạn I); triển khai hàng loạt dự án phát triển tuyến đường ống truyền dẫn và ống dịch vụ nhằm nâng tỷ lệ người dân Thủ đô được cấp nước sạch..
Đó là những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển hạ tầng cấp nước đô thị và các vùng lân cận TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, để mục tiêu này thành hiện thực, Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và cơ chế đầu tư.
Triển khai hàng loạt dự án cấp nước
Công nhân Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội vận hành dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước Nam Dư. Ảnh: Trung Kiên
Hà Nội hiện có 4 đơn vị đảm nhiệm cung cấp nước sạch: Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch-VIWACO, Công ty CP Cấp nước Sơn Tây. Tổng công suất cấp nước của 4 đơn vị hiện khoảng 780.000m3/ngày đêm. Với nguồn nước cấp chủ yếu là nước ngầm, chỉ một phần nhỏ là nước mặt từ Nhà máy Nước mặt sông Đà (130.000m3/ngày đêm). Tỷ lệ người dân tại 9 quận nội thành được sử dụng nước sạch là 97%, quận Hà Đông 90%; tỷ lệ này tại các huyện ngoại thành Hà Nội (cũ) là trên 73%.
Sự phát triển KT-XH và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh khiến nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao. Dự báo, nhu cầu của toàn TP vào năm 2015 trên 975.500m3/ngày đêm và lên tới trên 1,5 triệu mét khối/ngày đêm vào năm 2020. Điều này đòi hỏi TP phải sớm có một quy hoạch phát triển phù hợp mang tính khả thi cao.
Tại buổi báo cáo lãnh đạo UBND TP về kế hoạch phát triển hạ tầng cấp nước giai đoạn 2011-2015, tổ chức ngày 8-6, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ tập trung vào 7 dự án tăng nguồn nước ngầm, 28 dự án phát triển mạng cấp nước. Theo kế hoạch này, Sở đã tính tới giảm dần việc khai thác nước ngầm bằng chuẩn bị phương án xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng và sông Đuống (công suất giai đoạn I mỗi nhà máy 150.000m3/ngày đêm) và đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm.
Về phát triển mạng lưới cấp nước, sẽ đầu tư 284,6km đường ống truyền dẫn cấp I (đường kính từ 300mm-1.500mm). Cụ thể: khu vực phía tây hình thành 13 tuyến truyền dẫn dọc theo các trục Hòa Lạc - Xuân Mai, Quốc Oai - Phúc Thọ, Thạch Thất, Hoài Đức... tổng chiều dài 94,7km. Khu vực phía bắc hình thành 2 tuyến truyền dẫn Yên Viên và Sóc Sơn - Đông Anh - Mê Linh, tổng chiều dài 42,6km. Khu vực phía đông hình thành tuyến Đại lộ Thăng Long-Sơn Tây dài 71,9km... Mạng lưới tuyến ống phân phối, dịch vụ sẽ được hoàn thiện với tổng chiều dài trên 4.160km. Đối với mục tiêu chống thất thoát, thất thu nước sạch, sẽ thay thế, cắt bỏ 70km đường ống cũ tại các khu vực nội thành và thay thế 400.000 đồng hồ đo nước; lắp đặt đồng hồ tổng cho từng khu vực nhằm kiểm soát lượng nước thất thoát.
Băn khoăn vốn và cơ chế
Để triển khai các dự án này, Hà Nội cần khoảng 15.500 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, kinh phí xây dựng nhà máy, nâng công suất các nhà máy, trạm bơm là 5.730 tỷ đồng; trên 8.800 tỷ đồng dành để phát triển mạng lưới đường ống. Đây là một khó khăn rất lớn, bên cạnh đó, cơ chế, chính sách để triển khai dự án cũng là một vướng mắc.
Bàn về vấn đề cơ chế thu hút đầu tư, ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho rằng: TP nên có cơ chế, chính sách ưu tiên đối với nhà đầu tư vào hệ thống cấp nước, đặc biệt là khu vực ngoại thành, mới mong thu hút các nhà đầu tư. Bởi suất đầu tư tại ngoại thành cao hơn so với nội thành mà hiệu quả lại thấp do nhà dân không nằm sát nhau như trong nội thành. Trong khi đó, việc dùng nước sạch của hộ dân ngoại thành lại ít hơn nội thành. Với khu vực này, phải chấp nhận đầu tư để cải thiện đời sống nhân dân chứ không thể chỉ chú trọng vào hiệu quả kinh tế.
Ông Trần Đức Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn, vốn để xây dựng 2 nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống rất lớn. Ước tính, mỗi nhà máy cần khoảng 2.300 tỷ đồng, 2 nhà máy tới gần 5.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách cấp để xây dựng dự án là không thể nên việc huy động vốn từ đâu đang là vấn đề khó. Nếu không có vốn thì việc triển khai nhà máy sẽ không được, nguồn nước cấp cho Hà Nội sẽ không đủ...
Liên quan đến những vướng mắc này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, tới đây sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 117/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hướng ngân sách đầu tư xây dựng nhà máy nước và mạng lưới đường ống truyền dẫn cấp I. Để tạo đột phá trong khâu đầu tư, khuyến khích phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, TP sẽ đề nghị cho phép áp dụng hình thức đầu tư xây dựng công trình sản xuất, cấp nước sạch theo phương thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhằm cân đối hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực cho phát triển hệ thống cấp nước; nghiên cứu, áp dụng các hình thức đầu tư mới theo phương thức BT, BOT, PPP...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.