(HNM) - Từ ngày 1-7-2020, Cổng dịch vụ công quốc gia triển khai thêm 6 dịch vụ công, nâng tổng số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến lên con số 725. Cụ thể, gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, nhiều ý kiến đánh giá đây là bước tiến quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử.
Đại úy Nguyễn Văn Quý, Đội Cảnh sát giao thông (Công an thị xã Sơn Tây):
Tăng cường hướng dẫn nộp phạt trực tuyến
Từ ngày 12-3-2020, đã có 5 địa phương trong cả nước thực hiện thí điểm việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có Hà Nội. Thay vì phải đến kho bạc, ngân hàng để nộp phạt như trước đây, nay người dân ở nhà chỉ mất vài phút vẫn có thể sử dụng các dịch vụ để nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nộp phạt trực tuyến được cho là giải pháp đem lại nhiều lợi ích, vừa giúp người dân hạn chế việc đi lại, tiếp xúc đông người để phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ngành về việc trao đổi thông tin quản lý giấy phép lái xe đối với những trường hợp bị tạm giữ, tước quyền sử dụng. Đồng thời đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trước thực tế vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở khu vực ngoại thành chưa sử dụng điện thoại thông minh, hạn chế kiến thức công nghệ thông tin, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc nộp phạt trực tuyến để dịch vụ này phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên (huyện Gia Lâm):
Góp phần giảm thiểu tham nhũng vặt
Triển khai 6 dịch vụ công mới trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm chi phí, thời gian. Việc thực hiện 6 dịch vụ công kể trên còn góp phần tăng tính minh bạch trong cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện các giao dịch trên môi trường trực tuyến cũng giúp giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cửa quyền, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức qua đó xây dựng nền hành chính hiện đại, nếp sống văn hóa, văn minh. Đặc biệt, việc này cũng nằm trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ở các cấp và thúc đẩy hình thành công dân điện tử.
Đảng viên Nguyễn Thị Ím, 55 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8B, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ):
Phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp
Tôi rất vui bởi việc triển khai thêm các dịch vụ công trực tuyến đồng nghĩa với mục tiêu phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Điều này hết sức có ý nghĩa, đặc biệt đối với những người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vì đều có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng, thuận tiện.
Đơn cử, việc mua, đóng bảo hiểm và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, các dịch vụ này cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền phí gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của mình (hoặc người thân) để được hưởng các chính sách theo quy định. Có thể thấy, việc này giúp giảm thời gian, chi phí, từ đó khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Ông Lê Trọng Phong, số nhà 21, ngõ 67 phố Đức Giang (quận Long Biên):
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển
Nhóm 6 dịch vụ công trực tuyến mới được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia tập trung vào việc thanh toán điện tử, không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân thực hiện trực tuyến các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường mạng, loại bỏ việc phải trình bản gốc để xác minh hồ sơ như khi làm trực tiếp, mà còn giúp cơ quan quản lý đơn giản hóa thủ tục hành chính trên giấy tờ, tạo hiệu quả về lâu dài. Ngoài ra, việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tạo thêm kênh giám sát chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch trong công việc tại tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Theo tôi được biết, tính toán của cơ quan chức năng cho thấy, việc tích hợp, cung cấp thêm 6 dịch vụ công trực tuyến có thể giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội gần 1.700 tỷ đồng/năm. Đây thực sự là con số ấn tượng, cho thấy Chính phủ đã nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội, đưa Cổng dịch vụ công quốc gia thành kênh hữu hiệu để "điện tử hóa" thủ tục hành chính, hướng đến mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.