Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới phục vụ tốt nhất cho người dân

Phong Thu| 13/08/2016 07:32

(HNM) - Sau kết quả thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công (DVC) tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội khá thành công, Sở Nội vụ đang tích cực tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quy định việc thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), công việc của cá nhân, tổ chức tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc thành phố...

Hỗ trợ người lao động tại bộ phận “một cửa” Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội.


Hiệu ứng tích cực từ thí điểm


Tháng 7-2014 và tháng 1-2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo hai đơn vị Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội lần lượt thực hiện thí điểm thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bố trí vị trí, cơ sở vật chất; xây dựng và ban hành quy trình giải quyết từng nhiệm vụ; niêm yết công khai tại các địa điểm tiếp nhận và trả kết quả... Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội được bố trí 92 viên chức, nhân viên có năng lực, trình độ làm việc tại 6 địa điểm giao dịch. Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội bố trí 5 nhân viên làm việc tại 2 địa điểm giao dịch. Đáng chú ý, để việc cung cấp DVC đi vào nền nếp, UBND thành phố đã yêu cầu Tổ công tác tập trung hướng dẫn hai đơn vị xây dựng quy trình giải quyết từng DVC. Quy trình giải quyết xác định rõ trách nhiệm, thời gian các phòng, ban tham gia cung cấp DVC. Các quy trình này đều được công khai để cá nhân, tổ chức biết.

Nếu như trước đây, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội có tới 9/11 DVC trong lĩnh vực giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa có văn bản quy định về thời gian xử lý thì nay đã quy định rõ ràng. Ngoài ra, có 6/11 DVC được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, trong đó có 1 DVC rút ngắn 8 ngày, 3 DVC rút ngắn 5 ngày và 2 DVC rút ngắn 3 ngày. Tương tự, các DVC của Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội có 1/7 DVC giảm 5 ngày, 3/7 DVC được đơn giản thành phần hồ sơ, bỏ hẳn yêu cầu có xác nhận của UBND cấp xã trong giấy đề nghị cấp nước sạch sinh hoạt.

Quy trình TTHC được rút ngắn, thái độ phục vụ của cán bộ được cải thiện, cũng đồng nghĩa chỉ số hài lòng của khách hàng với chất lượng DVC ở hai đơn vị này tăng lên. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho hay, cái được lớn nhất là với quy trình triển khai đồng bộ, chính sách khuyến khích, thưởng phạt nghiêm minh, tinh thần cải cách hành chính đã lan tỏa đến từng nhân viên, thay đổi hẳn lề lối làm việc cũ. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số hồ sơ giải quyết đúng hẹn luôn đạt 100% và nhận được nhiều thư khen của người đến giao dịch. Lượng hồ sơ giải quyết đúng hẹn tại Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cũng đạt trên 86%.

Sẽ hoàn thiện quy định để nhân rộng

Thành công từ thực hiện thí điểm là cơ sở để Hà Nội nhân rộng trong các lĩnh vực phục vụ đời sống dân sinh. Hiện tại, Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo Quy định việc thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các TTHC, công việc của cá nhân, tổ chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc TP Hà Nội; đồng thời tổ chức 3 hội nghị lấy ý kiến góp ý nhằm sớm ban hành.

Từ thực tế triển khai thí điểm, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho rằng: Không phải đơn vị nào cũng lượng hóa được quy trình, khối lượng văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy, cần có sự hướng dẫn cụ thể để các đơn vị dễ thực hiện. Cũng theo ông Nguyễn Toàn Phong, mỗi đơn vị có đặc thù riêng, nếu áp dụng “một cửa” đại trà sẽ có nơi bị “đuối”, do đó, nên lựa chọn đơn vị để triển khai “một cửa” thông qua sự thẩm định của Sở Nội vụ và Sở Tư pháp. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực đặc thù như giáo dục nên để ngành chủ động lựa chọn đơn vị, thời gian áp dụng, tránh tình trạng trong kỳ nghỉ hè, bộ phận “một cửa” vẫn phải mở cửa.

Hà Nội hiện có 2.639 đơn vị sự nghiệp (26 đơn vị thuộc thành phố; 402 đơn vị thuộc sở; 2.211 đơn vị thuộc cấp huyện). Do đó, việc lấy ý kiến các đơn vị trước khi triển khai nhân rộng là cần thiết nhằm đưa ra một quy định phù hợp, có tính khả thi cao. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn khẳng định, việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm công ích thuộc thành phố nhằm thực hiện chỉ đạo của trung ương và thành phố về công tác cải cách hành chính. “Từng đơn vị cần đặt vào góc độ của người dân đi làm TTHC để đề ra quy trình mang lại sự thuận tiện nhất và cũng cần nhìn vào mặt tích cực để khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện. Đó là thông điệp cần thực hiện trong thời gian tới” - ông Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Ngô Quang Phát: Hà Nội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết các TTHC, công việc của cá nhân, tổ chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc thành phố. Tất cả các khâu đều được thực hiện rất bài bản. Nếu quy định được ban hành, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ra quy định đối với nội dung này, để các tỉnh, thành phố tham khảo, học tập.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới phục vụ tốt nhất cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.